Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo
Ngày nhập : 20/01/2021 14:48
Mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đưa ra 3 kịch bản: Tăng trưởng GDP 2021 có thể đạt 5,49% (kịch bản cơ sở); 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp).

Ngày 19/1, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo “Báo cáo kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo”.
 

Hội thảo “Báo cáo kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo”.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép”: Vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 chỉ đạt 2,91% - mức thấp nhất kể từ sau Đổi mới năm 1986 và cho thấy tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 nhưng đó vẫn là tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh rất nhiều nền kinh tế trải qua tăng trưởng âm.

Về triển vọng 2021, mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng: GDP 2021 có thể đạt 5,49% (kịch bản cơ sở); 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp). “Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn FDI”, báo cáo dự báo.

Theo TS. Lý Đại Hùng, Phòng Kinh tế vĩ mô và thể chế kinh tế (Viện Kinh tế Việt Nam), kết hợp mô hình dự báo trên với các dự báo của các tổ chức quốc tế và mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra cho thấy, kịch bản cao chỉ có thể đạt được nếu kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn hậu COVID-19, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần phải thay đổi tư duy, biến công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trở thành cú hích quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu, cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững.

(Nguồn: Thời báo ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh