Phục hồi kinh tế: Thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là yếu tố tiên quyết
Ngày nhập : 06/10/2021 10:55
Để phục hồi và phát triển kinh tế, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời và ổn định các giải pháp chính sách hỗ trợ

Đại dịch gây tác hại nặng nề, kéo kinh tế tăng trưởng chậm lại. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 1,42%. Sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, đứt gãy; Chi phí sản xuất tăng cao; Năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút. Nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng bị bào mòn, đời sống của người dân khó khăn.

Tuy nhiên hiện nay, độ bao phủ, tiến độ tiêm vắc-xin ngày càng khả quan cũng tạo điều kiện tốt để mở cửa, khôi phục lại các hoạt động kinh tế. Về chính sách, Chính phủ đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận với dịch Covid-19 theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” để thực hiện vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
 

 “Để không “lỡ nhịp” khi bước vào “trạng thái bình thường mới”, Việt Nam cần phải xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế”, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh “chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cấp thiết” để kiểm soát dịch bệnh, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất hỗ trợ người dân, đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, nắm bắt các thời cơ và xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Dự thảo Chương trình phục hồi kinh tế đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện để sớm trình Chính phủ. Chương trình này được thiết kế cho việc thực hiện đến năm 2023, tạo cơ sở phục hồi mạnh mẽ để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%/năm. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, chuyển đổi số, công nghệ số, để chủ động tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng mới toàn cầu… cũng như xu thế chuyển đổi các hoạt động tài chính, thương mại, giáo dục, y tế, khám chữa bệnh… trên nền tảng trực tuyến.

Theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong dự thảo Chương trình đặt mục tiêu tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng giai đoạn phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Đồng thời, phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phù hợp với các mục tiêu, định hướng, tầm nhìn dài hạn. Trong dự thảo này có 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 là yếu tố tiên quyết, không thể thiếu để thực hiện phục hồi kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đặc biệt lưu ý.

Ông Phương cũng nhấn mạnh, để phục hồi và phát triển kinh tế, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời và ổn định các giải pháp chính sách hỗ trợ (bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ). Tuy nhiên, sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng có năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi nhanh như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản, vận tải hành khách; và các ngành, lĩnh vực có cơ hội phát triển nhanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong dài hạn cho nền kinh tế, nhất là thương mại điện tử, chuyển đổi số, kinh tế số.

Và chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ dòng tiền, ổn định tài chính cho doanh nghiệp. Việc hỗ trợ này dự kiến được áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có năng lực cạnh tranh nhưng gặp khó khăn về dòng tiền do tác động của đại dịch. Chính sách cần bảo đảm rõ ràng, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ ngắn hạn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 thì trong dài hạn, tập trung vào các xu hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế số.

Kế hoạch phục hồi kinh tế cần thể hiện rõ tinh thần “sống chung với Covid-19”, thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phục hồi. Góp ý cho kế hoạch, các chuyên gia nhấn mạnh: chính sách cần được thực hiện hợp lý theo từng giai đoạn của diễn biến dịch bệnh, năng lực nội tại, khả năng thực thi và giám sát của khu vực nhà nước, các đặc điểm của nền kinh tế, dư địa chính sách hiện có. Sự phục hồi bền vững phụ thuộc vào việc bảo đảm ổn định tài chính; cân bằng rủi ro giữa việc gia tăng nợ công, nợ của khu vực tư nhân với quy mô và thời hạn các chính sách hỗ trợ tài chính… Và quan trọng là “Thế nào là sống chung với dịch thì phải thống nhất”, TS.Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế phát biểu…

Cũng ủng hộ nên có gói hỗ trợ quy mô lớn như các nước Đông Nam Á là TS. Cao Viết Sinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dù khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có cách có nguồn để làm, và gói hỗ trợ lần này phải được thiết kế toàn diện. Trong chương trình phục hồi có 8 giải pháp. Theo ông Sinh thì “cần thiết kế gọn lại và cần các chương trình tổng hợp hơn như: Chương trình tiêm vaccine và mở cửa nền kinh tế, tăng năng lực cho các cơ sở y tế; Phục hồi du lịch; Kích cầu tiêu dùng: Khơi thông nguồn lực đầu tư hạ tầng, FDI, ODA, cơ cấu lại đầu tư công; Cải cách thể chế, nâng cao năng lực của bộ máy chính quyền đặc biệt là chính quyền cơ sở. Đi cùng 5 chương trình này là chương trình quản lý rủi ro, bảo đảm các cân đối lớn, không để lạm phát tăng. “Việt Nam có thể sử dụng nhiều bội chi mà không lo lạm phát. Tình huống không bình thường thì phải giải quyết theo cách bất bình thường”, ông Sinh nói.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh