Phòng, chống dịch đồng bộ với phục hồi kinh tế
Ngày nhập : 09/11/2021 15:07
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, các chỉ số trong tháng 10 cho thấy một số dấu hiệu tích cực như ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Thị trường tiền tệ, ngoại hối tiếp tục duy trì ổn định; mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp hơn so với đầu năm. Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng tăng trở lại phản ánh qua tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng cao; cán cân thương mại trở lại xuất siêu lớn trong tháng 10; vốn FDI đăng ký và cam kết mới tăng, phản ánh nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào sự hồi phục của nền kinh tế. Những chỉ số đó cho thấy quyết định chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là phù hợp và đúng hướng.

Trong những tháng cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, không chủ quan với lạm phát; điều tiết tiền tệ hợp lý, đảm bảo cung ứng nguồn vốn cho nền kinh tế (tín dụng 10 tháng tăng 8,6%); tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
 


Nhiều tín hiệu khả quan, song thách thức vẫn rất lớn

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 ngày 6/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2021, Chính phủ nhận định kinh tế tháng 10 đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Điều hành thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối chủ động, linh hoạt thận trọng, ổn định, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu có sự phục hồi; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao; sản xuất công nghiệp cải thiện; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 18,1% so với tháng trước; hoạt động xuất nhập khẩu bắt đầu khắc phục được nhập siêu và trở lại xuất siêu trong các tháng 9 và tháng 10… cho thấy sự đúng đắn của việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, gây ra khó khăn, thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm phát lớn; hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công thấp; một số chuỗi sản xuất, lao động chưa phục hồi; đời sống một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát; hoạt động bán lẻ đã phục hồi nhưng còn yếu...

Phối hợp tốt các chính sách

Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện nghiêm Nghị quyết 128. Tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh, kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt cũng như bảo đảm đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Triển khai tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: (1) Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả; (2) Xét nghiệm thần tốc, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm; (3) Điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở. Đồng thời thực hiện hiệu quả phương châm 5K + vaccine + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để tạo đòn bẩy cho phục hồi kinh tế. Khẩn trương thực hiện các gói hỗ trợ đã được thông qua gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống tiêu cực, nhũng nhiễu; tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành trong đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Đặc biệt cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giám sát chặt chẽ nợ xấu. Đồng thời tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công; khơi thông, phát triển mạnh thị trường trong nước, bảo đảm cung cầu hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, không để thiếu hàng hóa...

Cùng với đó, tiếp tục chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nắm chắc tình hình để có giải pháp an dân, ổn định xã hội, đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là tại các khu vực sản xuất trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục rà soát các vướng mắc về thể chế, pháp luật để kịp thời tháo gỡ; thực hiện hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh…

                                                                                                (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh