Nền kinh tế đang nỗ lực hiện thực hóa “mục tiêu kép”
Ngày nhập : 30/10/2020 09:26
 
Tiếp nối đà phục hồi trong quý III, kinh tế tháng 10 tiếp tục có những khởi sắc nhìn trên cả khía cạnh ngành và lĩnh vực, cho thấy khả năng cao là tăng trưởng kinh tế năm nay đạt mức 2-3%.

Xuất siêu đạt kỷ lục 18,72 tỷ USD

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế tháng 10 tiếp tục ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Về lĩnh vực, đầu tư công tiếp tục là điểm sáng khi các bộ, ngành và địa phương đang nỗ lực tập trung thực hiện những giải pháp đẩy nhanh giải ngân. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) 10 tháng đạt 354,6 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% kế hoạch năm và tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác thu, chi NSNN cũng ghi nhận các kết quả tích cực. Tổng thu NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2020 ước tính đạt 1.018,6 nghìn tỷ đồng, bằng 67,4% dự toán năm. Trong khi đó, tổng chi NSNN từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2020 ước tính đạt 1.183,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm.

Về xuất khẩu, mặc dù dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới, nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tiếp tục giữ mức tăng dương. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng ước tính đạt 439,82 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7%; nhập khẩu đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4%. Nhờ đó, cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng ước tính thặng dư kỷ lục 18,72 tỷ USD (riêng tháng 10 xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 24,5 tỷ USD nên xuất siêu ước đạt 2,2 tỷ USD).

Ở góc độ ngành, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 10 tháng ước tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, dù thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019, nhưng tích cực khi có dấu hiệu cải thiện dần trong những tháng gần đây. Đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng 8,3% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng tốt trở lại của các ngành như sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học (tăng 16,9%); sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 10,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,6%... Tình hình đăng ký DN tháng 10/2020 cũng khởi sắc so với tháng trước, với số DN đăng ký thành lập mới trong tháng tăng 18,4% so với tháng 9 với 12,2 nghìn DN, số DN quay trở lại hoạt động tăng 10,4%.

Cùng xu thế này, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 10 cũng tiếp tục cải thiện với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.123 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,7%).

Đáy của tăng trưởng đã ở phía sau ?

Tuy nhiên, những tác động tiếp diễn của dịch Covid-19 vẫn gây ra những khó khăn cho các ngành và lĩnh vực, khiến ngành công nghiệp khó có thể phục hồi mạnh trở lại, trong khi ngành dịch vụ tiếp tục hứng chịu những khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan. Lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng đạt 14,8 nghìn lượt, tăng 7,6% so với tháng trước nhưng giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước do chúng ta tiếp tục phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế.

Điểm đặc biệt đáng chú ý là tình hình bão lũ, thiên tai gây nhiều thiệt hại trong cuối tháng 9 và tháng 10 vừa qua, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, sức khỏe đời sống, tài sản… Ước tính thiệt hại về kinh tế lên nhiều nghìn tỷ đồng, đồng thời gây khó khăn đến tiến độ thực hiện các dự án, công trình; đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.

Nhìn lại tình hình kinh tế 10 tháng, có thể nói bức tranh đang sáng sủa và khả quan hơn rất nhiều và ngày càng tiệm cận đến khả năng đạt mức cao hơn trong biên độ mục tiêu đạt tăng trưởng 2-3% mà Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên chưa thể chủ quan. Theo đó, mặc dù đánh giá tích cực về diễn biến kinh tế tháng 10 và 10 tháng qua, song ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng, khó khăn vẫn còn rất lớn; mức đáy của tăng trưởng có thể đã ở lại phía sau nhưng khẳng định đã qua đáy của khó khăn do Covid gây ra thì chưa. Bởi trên thế giới, số ca nhiễm vẫn không ngừng ra tăng, chưa thấy “đáy” đâu cả nên đây vẫn là một thách thức với Việt Nam.

Theo ông Cường, 10 tháng qua nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn cầm cự và có thể tiếp tục phải cầm cự trong những tháng tới chứ chưa vào giai đoạn phục hồi. Điều đó cho thấy vấn đề ưu tiên lúc này vẫn là kiểm soát được dịch bệnh. “Kiểm soát tốt được dịch bệnh trong nước thì các hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng được khôi phục trở lại và ít nhất sẽ giúp đảm bảo được tăng trưởng dương. Còn mạnh và cao bao nhiêu còn phụ thuộc vào bên ngoài”, ông Cường nhận định.

Trong khi đó theo TS. Cấn Văn Lực, với đà phục hồi rõ nét từ quý III và các hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc trong tháng 10 thì có cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng sẽ phục hồi hình chữ V trong năm nay. Theo kịch bản cơ sở mà TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả đưa ra mới đây, dự báo tăng trưởng quý IV/2020 có thể đạt 3,28% so với cùng kỳ năm trước, giúp tăng trưởng GDP cả năm 2020 đạt 2,5%.

Nhưng để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng ở mức tốt nhất có thể, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần kiên định thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp khác như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; tăng cường xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm ngay sau khi dịch được kiểm soát; tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh…

Trong báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trình Quốc hội mới đây, Chính phủ cũng xác định trong những tháng còn lại của năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm là phải triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” đã đề ra.\

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh