Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, lạm phát 4,5%
Ngày nhập : 21/10/2022 15:41
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra, tạo đà quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo Kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã đề ra.
 

Năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch

Trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 20/10/2022, Thủ tướng Chính phủ cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kiều bào ta ở nước ngoài; sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Sự phục hồi kinh tế diễn ra ở cả ba khu vực (nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ) và khá đồng đều giữa các địa phương. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh.

Với đà phục hồi tích cực và tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 dự kiến đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%); CPI bình quân cả năm ước khoảng 4%. Ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn và rủi ro như: Ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn; Các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia và việc lập các quy hoạch còn chậm; Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng; Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, còn thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn; Thu hút FDI đầu tư mới và chuyển giao công nghệ gặp nhiều khó khăn; Phát triển văn hoá chưa tương xứng, ngang tầm với phát triển kinh tế…

Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rõ các nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập nêu trên đồng thời đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm 2022. Trong đó, nhấn mạnh đến việc cần theo dõi sát tình hình, tận dụng tốt thời cơ, hóa giải hiệu quả các khó khăn, thách thức; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định các loại thị trường, tận dụng tốt thị trường trong và ngoài nước; Bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023.

Điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp; bảo đảm ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng. Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch…

Phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5%, lạm phát 4,5% năm 2023

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu tổng quát năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Với các chỉ tiêu chủ yếu, đáng chú ý Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; CPI tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%...

Để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chính phủ đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu vẫn là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp; bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tập trung giữ vững ổn định thị trường tài chính, tiền tệ; nâng cao chất lượng tín dụng; đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án thua lỗ kéo dài.

Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và sự chủ động, sáng tạo của ngân sách địa phương. Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; bảo đảm an ninh, an toàn, bền vững tài chính quốc gia.

Phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững. Có chính sách phù hợp, công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác. Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, đẩy mạnh hơn nữa hình thức đối tác công tư. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, chấn chỉnh khâu chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2023, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm các mục tiêu đề ra. Phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững, hội nhập các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; mở rộng và phát triển thị trường lao động, thị trường KHCN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023 đặt ra là rất nặng nề. Chính phủ trân trọng đề nghị và mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chủ động, tích cực, quan tâm, đồng hành, ủng hộ và giám sát của Quốc hội, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân và toàn thể đồng bào, cử tri cả nước để nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, năm 2023, góp phần thực hiện thành công phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh