Mấu chốt để tăng cường thu hút FDI trong bối cảnh mới
Ngày nhập : 28/06/2021 16:11
 
Theo Lexology (Anh), nền kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển tốt hơn phần lớn các quốc gia khác trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Quốc gia này cũng có những cơ hội thuận lợi để thu hút làn sóng mới từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt mục tiêu 7% vào cuối năm.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tập trung mở rộng quan hệ thương mại quốc tế. Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, cũng như tham gia nhiều hiệp định thương mại khác, Việt Nam giờ đây đã trở thành thành viên của các khối thương mại lớn nhất thế giới.

Điểm đến hấp dẫn với nguồn vốn FDI

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm một thị trường thay thế cho Trung Quốc trong vài năm gần đây. Loạt hãng sản xuất quần áo toàn cầu như Nike và Adidas đã chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam lần lượt vào năm 2009 và 2012. Động thái này đã mở ra con đường cho các doanh nghiệp nước ngoài khác lựa chọn Việt Nam làm trung tâm sản xuất tại thị trường châu Á trong những năm tiếp theo. Với các tên tuổi lớn như Intel, Samsung, Panasonic, Nokia, Microsoft và LG.

Ông Phùng Anh Tuấn, Giám đốc, Luật sư điều hành Công ty Luật VCI Legal, chia sẻ: "Việt Nam cần trở thành một nền kinh tế tự do, tiến bộ và cởi mở hơn so với Trung Quốc nếu muốn cạnh tranh về nguồn vốn FDI".

"Mặc dù Việt Nam không thể cạnh tranh về quy mô thị trường và khối lượng tiêu dùng vì chúng ta không có dân số và quy mô rộng lớn như Trung Quốc, nhưng cần phải tìm ra lợi thế cạnh tranh của mình dựa trên điều kiện đầu tư, hệ thống pháp luật minh bạch".

Trong xếp hạng mức độ thuận lợi kinh doanh hàng năm của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã tăng từ vị trí 91/183 năm 2010 lên vị trí 70/190 vào năm 2019. Không chỉ vậy, Việt Nam đã chuyển từ lĩnh vực sản xuất công nghệ thấp sang các lĩnh vực của nền kinh tế mới có giá trị gia tăng cao và công nghệ cao, công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng vốn FDI đăng ký mới đạt 9,55 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020, vốn FDI đăng ký điều chỉnh đạt 4,12 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ 2020.

Chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ cao

Hiểu rõ khả năng duy trì lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất giá rẻ là rất hạn chế, nên Chính phủ Việt Nam đã dồn sức tập trung các ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử và kỹ thuật phần mềm, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngành công nghiệp điện tử là một trong những ngành phát triển nhanh nhất của đất nước. Giá trị xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam tăng từ 47,3 tỷ USD năm 2015 lên 96 tỷ USD năm 2020, chiếm 1/3 giá trị xuất khẩu quốc gia. Trong bảng xếp hạng toàn cầu về các nước xuất khẩu hàng điện tử, Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 47 năm 2001 lên vị trí thứ 12 vào năm 2019.

Điển hình là vào năm 2020, "gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc Samsung đã xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội. Theo số liệu của Bộ Công thương, các doanh nghiệp FDI chiếm 95% doanh thu xuất khẩu hàng điện tử trong quý 1/2021 và xu hướng này sẽ khó giảm xuống trong những năm tới.

Các nỗ lực quản lý và kinh tế của Chính phủ Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy làn sóng FDI trong những năm tới. Việt Nam đã cam kết nâng cao chuỗi giá trị sản xuất thông qua nguồn vốn FDI song song với nỗ lực nâng cao trình độ dân số. Tháng 4/2021, Việt Nam đã bắt đầu thí điểm dự án kết hợp với 5 trường đại học của Úc để cung cấp các khóa học trực tuyến nước ngoài cho sinh viên trong nước. Điều này đã giúp Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu trong hệ thống giáo dục trực tuyến ở châu Á.

(Nguồn: Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh