Kinh tế 9 tháng: Vượt khó thành công
Ngày nhập : 30/09/2020 09:39
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 0,39% của quý trước.

Tính chung 9 tháng năm 2020, GDP ước tính tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước, tuy là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020, song đây là thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế và với đà này, mức tăng trưởng cả năm trên 2% là nằm trong tầm tay.
 

Vượt lên thách thức…

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê đánh giá, nền kinh tế đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2020 với mức tăng trưởng 2,12% là rất đáng khích lệ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong nước, tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại; tình hình đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng.

Ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết thêm, trong 21 ngành kinh tế cấp 1 có đến 6 ngành tăng trưởng âm, như vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú, ăn uống; kinh doanh bất động sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; khai khoáng. Trong khi hầu hết các ngành khác có mức tăng thấp hơn so với kế hoạch. Đặc biệt, do độ mở nền kinh tế lớn, quy mô xuất nhập khẩu bằng 2,9 lần GDP, nên khi xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế.

Nhìn chung động lực tăng trưởng lớn nhất trong 9 tháng năm 2020 vẫn là khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tính chung 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chỉ đạt 2,69%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,6% và là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm 2011-2020. Tổng cục Thống kê cho biết, ngành chế biến chế tạo đóng góp 1,02 điểm % vào GDP, chiếm trên 48% mức tăng chung. Mặc dù mức tăng 4,6% thấp hơn khá nhiều so với các năm gần đây (12-14%), song trong điều kiện dịch tác động nặng nề thì đây là điểm sáng vì hầu hết các nền kinh tế khác đều tăng trưởng âm và suy giảm nghiêm trọng.

Một số lĩnh vực khác cũng tăng trưởng rất chậm. Như du lịch do Việt Nam thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế nên tính chung 9 tháng năm 2020, khách quốc tế đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 70,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2020 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Nhiều động lực hứa hẹn tạo đà phục hồi

Tuy nhiên ông Dương Mạnh Hùng nhận định, trong bối cảnh khó khăn chung, nền kinh tế vẫn có điểm sáng, với các cân đối lớn được duy trì, lạm phát ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao, tiêu dùng cuối cùng của dân cư không giảm mà tăng nhẹ ở mức 0,86%, cho thấy đời sống nhân dân ổn định...

Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn là điểm sáng trong bối cảnh thương mại thế giới ảm đạm. Hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%; trong đó xuất khẩu tăng 4,2%. Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước tăng tới 20,2%; nhập khẩu tăng 4,7%. Cán cân thương mại 9 tháng tiếp tục xuất siêu với mức kỷ lục 16,99 tỷ USD.

Điểm sáng khác là tích luỹ tài sản tăng cao ở mức 3,39%, có sự đóng góp rất lớn của đầu tư công. Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 9 (đạt 48%) và 9 tháng (đạt 33,3%) đều là mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Đây là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam.

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng trong 3 tháng còn lại của năm 2020, ông Phạm Đình Thuý - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng cho biết, trong 8 tháng đầu năm sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, tuy nhiên do dịch bệnh được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Vì vậy sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

Tổng cục Thống kê nhận thấy ngay từ tháng 9 đã xuất hiện xu hướng tích cực ở nhiều ngành, đặc biệt các ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế, sử dụng nhiều lao động. Ấn tượng nhất là tăng trưởng sản xuất công nghiệp chế biến thực phẩm 9 tháng đạt 10,6%. Theo ông Thuý, con số này hoàn toàn trùng hợp với bối cảnh thực tế là ngành nông nghiệp hiện nay có nhiều sản phẩm xuất khẩu tốt, nâng dần giá trị gia tăng cho các DN trong nước. Các ngành khác có triển vọng tăng trưởng tốt trong các tháng cuối năm là sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; hoá chất và sản phẩm từ hoá chất; thuốc, hoá dược và dược liệu; sản phẩm cao su; sản phẩm máy tính và sản phẩm quang học…

Bà Nguyễn Thị Hương bổ sung một động lực khác là giải ngân vốn đầu tư công. Bà phân tích, trong 9 tháng cả nước thực hiện được hơn 21.000 công trình lớn trên 10 tỷ đồng, chiếm 73,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; trong đó có hơn 12.800 công trình, chiếm 52,3%, là vốn thực hiện từ nguồn NSNN và trái phiếu Chính phủ. Từ đó đã làm tăng năng lực mới của toàn nền kinh tế trong 3/4 chặng đường của năm 2020, hứa hẹn sẽ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho phát triển ở kỳ sau rất lớn. Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy tình hình quý IV sẽ lạc quan hơn, hơn 80% doanh nghiệp dự báo tốt lên và giữ ổn định.

Với kết quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm cùng các động lực tăng trưởng đầy hứa hẹn trong 3 tháng còn lại, Tổng cục Thống kê dự báo mức tăng trưởng cả năm đạt trên 2% là khả quan. Đây sẽ là cơ sở để kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh và bật tăng trở lại trong năm 2021 ở mức 6,5-6,7% như nhận định của các tổ chức quốc tế và trong nước.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh