Kiên định mục tiêu kép
Ngày nhập : 05/08/2020 09:32
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại tại Việt Nam, Chính phủ vẫn thống nhất quan điểm phải đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa thực hiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 
 
Xử lý ổ dịch, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, mặc dù đại dịch tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống đất nước, nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020 tiếp tục tháng sau khá hơn tháng trước.

Theo đó, mặc dù sản xuất nông nghiệp tuy bị tác động của thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực, là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi 3 tháng liên tiếp, mặc dù vẫn còn ở mức khiêm tốn 3,6%. Cầu nội địa cũng tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước nhờ các chính sách kích thích tiêu dùng và du lịch nội địa.

Xuất khẩu cũng duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh cầu toàn cầu suy giảm mạnh vì dịch bệnh. Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 145,8 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ, trong đó điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước tăng cao 13,5%; xuất siêu 6,5 tỷ USD đạt mức cao so với cùng kỳ mọi năm.

Đặc biệt, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tăng kỷ lục trong tháng 7. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN 7 tháng đạt gần 194,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch giao đầu năm (cùng kỳ đạt 32,27%). Tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước. Đầu tư FDI và đầu tư tư nhân khá tích cực, trong đó, đăng ký vốn FDI mới 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỷ USD. Số DN quay trở lại hoạt động trong tháng tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát có xu hướng giảm dần; mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định…

Chính phủ cũng xác định đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không. Vì vậy cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch. Cùng với đó kiên định hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, Chính phủ lưu ý, cần tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch, nhưng đồng thời tạo mọi thuận lợi trong lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh bùng phát, không được có bất cứ hạn chế nào.
 
“Cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế, xã hội”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh…

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh