Kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4%
Ngày nhập : 05/02/2020 10:15
 
Tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 02/2/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 31/01/2020. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay và quyết liệt hơn các biện pháp đã được đưa ra trong kịch bản điều hành giá để mặt bằng giá giảm ngay trong các tháng còn lại của quý I/2020 theo các chỉ tiêu đề ra.

Thông báo cho biết, chiều 31/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp đột xuất của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá các tình hình tác động tới công tác điều hành giá ngay trong tháng đầu năm 2020.

Sau khi nghe Bộ Tài chính báo cáo và ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện các bộ, ngành, địa phương liên quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, hàng hóa trong dịp Tết dồi dào, không có sốt hàng, tăng giá nhưng đáng lưu ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2020 tăng khá cao (1,23%) so với tháng 12/2019; tăng 6,43% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 01 trong 7 năm gần đây.

Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân chính là Tết Dương lịch và Âm lịch liền kề nhau nên nhu cầu tiêu dùng tăng cao; đặc biệt do tác động từ nhóm mặt hàng ăn uống ngoài gia đình, giao thông và giá thịt lợn, tuy nguồn cung đủ và giá bán không còn ở mức đột biến như thời gian trước nhưng mặt bằng giá vẫn ở mức cao (80.000-86.000 đồng/kg hơi), tăng 8,29% so với tháng 12/2019 và đã tác động không nhỏ vào CPI tháng 1.

Ngoài ra, giá khẩu trang, nước rửa tay trong phòng dịch virus Corona (nCoV) đang có những diễn biến phức tạp nên CPI đã tăng cao và tác động diễn biến dịch nCoV đang gây áp lực lớn lên công tác điều hành giá của Chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan về việc triển khai ngay và quyết liệt hơn các biện pháp đã được đưa ra trong kịch bản điều hành giá để mặt bằng giá giảm ngay trong các tháng còn lại của quý I/2020 theo các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo Nghị quyết Quốc hội.

Để đạt mục tiêu này, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành địa phương tiếp tục nghiêm túc thực hiện các kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 03/TB-VPCP ngày 04/01/2020 của Văn phòng Chính phủ; đồng thời Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt ngay những nhiệm vụ như :

Thứ nhất, đối với mặt hàng thịt lợn: Kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý và dần xuống mức bình thường như trước khi có dịch trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc của thị trường và quy định của pháp luật… Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu :

Trong quý I/2020, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện kiểm tra quyết toán thuế theo đúng quy định của pháp luật để làm rõ việc hạch toán chi phí, giá thành, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thịt lợn thuộc mọi thành phần kinh tế có thị phần lớn, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan chuẩn bị nội dung để Ban chỉ đạo điều hành giá họp với các doanh nghiệp, hộ sản xuất, chăn nuôi lớn, các thương nhân đầu mối nhập khẩu thịt lợn và các đơn vị liên quan nhằm đưa ra giải pháp bình ổn giá, giảm giá mặt hàng thịt lợn trở về mức bình thường khi hết dịch và như trước khi có dịch.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì báo cáo đầy đủ về kết quả công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, kế hoạch và khả năng tái đàn, tình hình nhập khẩu thịt lợn và tình hình thiệt hại và hỗ trợ kinh phí do dịch tả lợn Châu Phi đối với các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi… trong đó làm rõ những đối với những đối tượng bị thiệt hại nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí (nếu có). Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn thịt lợn thành phẩm trong quý I để góp phần ổn định nguồn cung ngay trong những tháng sau Tết.

Bộ Công Thương chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp chăn nuôi lợn, nếu có hiện tượng trục lợi sẽ phải xử lý nghiêm.

Thứ hai, đối với các mặt hàng rau củ: Do ảnh hưởng của thời tiết rét nhất là đợt mưa lớn, mưa đá ngày 30, mùng 1 Tết vừa qua gây thiệt hại lớn tại một số địa phương nên giá mặt hàng này đang có xu hướng tăng cao sau Tết. Phó Thủ tướng giao cho Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến của mặt hàng này, sớm khôi phục sản xuất và có giải pháp điều hòa cung cầu nhằm bình ổn giá tại các siêu thị, chợ đầu mối, chợ nông thôn.

Để tạo thuận lợi cho việc phòng ngừa nCoV, Phó Thủ tướng giao quản lý thị trường, thanh tra tài chính và các cơ quan chức năng khác tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi không niêm yết giá hoặc niêm yết nhưng tăng giá bán đối với các vật tư tiêu dùng phục vụ phòng chống dịch nCoV như khẩu trang, nước sát khuẩn tay... theo quy định tại Luật Giá, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Lực lượng thị trường các cấp, cơ quan tài chính từ Trung ương tới địa phương có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả kiểm tra hàng tháng hoặc đột xuất khi có yêu cầu về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.

Thứ ba, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành phải đề ra nhiệm vụ cụ thể cho lộ trình điều hành giá đối với từng mặt hàng, từng dịch vụ trong năm 2020 như :

- Bộ Công Thương cần theo dõi sát diễn biến giá xăng, dầu để có biện pháp điều hành hợp lý theo tín hiệu thị trường;

- Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình vào thời điểm phù hợp;

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện công tác truyền thông, bảo đảm kịp thời, minh bạch thông tin về giá, nhất là trong việc thực hiện các chính sách lớn của Chính phủ.

(Nguồn: Tạp chí Tài chính)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh