Giải pháp bền vững cho phục hồi kinh tế
Ngày nhập : 21/03/2022 16:04
Theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế: Trong hai năm 2022-2023 Chính phủ sẽ bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh…

Đại dịch Covid-19 đã đẩy 4,7 triệu người dân Đông Nam Á rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2021, song triển vọng phục hồi kinh tế trên toàn khu vực vẫn sáng sủa. Đây là thông tin được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong báo cáo “Đông Nam Á: Trỗi dậy từ đại dịch” trình bày tại Hội nghị chuyên đề Phát triển Đông Nam Á (SEADS) cuối tuần qua.

Theo báo cáo này, đại dịch đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp lan rộng, bất bình đẳng ngày càng trầm trọng và tỷ lệ nghèo gia tăng, đặc biệt là ở phụ nữ, lao động trẻ và người cao tuổi ở Đông Nam Á. Những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lao động phổ thông và người lao động làm việc trong khu vực bán lẻ và nền kinh tế phi chính thức, cũng như các doanh nghiệp nhỏ không có sự hiện diện số.
 
 
Tuy nhiên, từ góc nhìn lạc quan, sau 2 năm đại dịch bùng phát, hiện nhiều quốc gia đã bắt đầu thích ứng với “bình thường mới” nên triển vọng tăng trưởng tốt hơn, nhất là đối với các nền kinh tế có khả năng ứng dụng công nghệ rộng rãi, xuất khẩu hàng hóa được duy trì, hoặc có tài nguyên thiên nhiên phong phú. ADB khuyến nghị các quốc gia nên theo đuổi cải cách cơ cấu để thúc đẩy khả năng cạnh tranh và năng suất, bao gồm đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh, giảm các rào cản thương mại và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ áp dụng công nghệ mới; đồng thời đào tạo kỹ năng để giúp người lao động khắc phục tình trạng gián đoạn trên thị trường lao động và chuyển đổi việc làm giữa các lĩnh vực…

Hai năm qua hầu hết các quốc gia trên thế giới đều triển khai những chương trình hỗ trợ chưa từng có nhằm khôi phục lại nền kinh tế. Nhưng tác động kép từ mở rộng chính sách tiền tệ quá mức và “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraina đã, đang khiến các nền kinh tế lớn trên thế giới đối mặt với lạm phát tăng nhanh, giá nhiều hàng hóa thiết yếu tăng mạnh và biến động địa chính trị leo thang… Trong bối cảnh đó, ADB khuyến cáo chính phủ các nước khu vực Đông Nam Á cần duy trì sự thận trọng về tài khóa để giảm thâm hụt và nợ công, đồng thời hiện đại hóa công tác quản lý thuế để nâng cao hiệu quả và mở rộng cơ sở thuế…

Thông tin đáng chú ý khác từ báo cáo của ADB là tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 trên 50% là yếu tố quan trọng để duy trì đà phục hồi kinh tế trong khu vực. Theo tính toán của các chuyên gia thời gian tới nếu chi tiêu cho y tế đạt khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 3,0% vào năm 2021 thì tăng trưởng kinh tế của khu vực có thể tăng 1,5 điểm phần trăm.

Về chỉ tiêu này, theo đánh giá của bà Rana Flowers - quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam: với những nỗ lực kiểm soát đại dịch rất thành công trong hai năm qua, Việt Nam đã trở thành một tiêu chuẩn trên thế giới, đạt tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất toàn cầu để bảo vệ người dân, bao gồm cả những người dân nghèo nhất, những người dễ bị tổn thương nhất.

Hiện Việt Nam đã có khoảng 220 triệu liều vaccine từ nhiều nguồn khác nhau. Tính đến hết ngày 17/3/2022, Việt Nam đã tiêm gần 201 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, trong đó 81,14% dân số được tiêm bao phủ ít nhất một liều vaccine phòng Covid-19. Chúng ta cũng đang chuẩn bị triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi và xem xét khả năng tiêm mũi thứ tư cho những đối tượng ưu tiên. Theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế: Trong hai năm 2022-2023 Chính phủ sẽ bố trí tối đa 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh…

Người dân, doanh nghiệp thích ứng với bình thường mới, kinh tế dần phục hồi và đặc biệt hai năm qua dù rất nhiều khó khăn nhưng an sinh xã hội vẫn được đảm bảo… kết quả này cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng trong công cuộc phục hồi kinh tế.

                                                                                               (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh