Duy trì tăng trưởng mục tiêu trong bối cảnh mới
Ngày nhập : 09/02/2021 08:37
 
Trao đổi với thoibaonganhang.vn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dự báo trường hợp dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý đầu tiên của năm 2021 vẫn sẽ tăng trưởng 4,46%, thấp hơn chỉ 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay thì tăng trưởng quý II cần đạt mục tiêu 7,11% và quý III, quý IV phải đạt cao hơn mục tiêu.

Khuyến nghị các giải pháp đi kèm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong 6 tháng đầu năm cần tập trung thực hiện 3 nội dung trọng tâm. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe của người dân, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế; thứ hai là các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; thứ ba là tăng cường sự độc lập, năng lực tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh, tình hình mới.

Về phát triển kinh tế, “các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trong đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế; đánh giá kỹ dư địa của chính sách tiền tệ, tài khóa để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19.

Giải pháp tiếp theo là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước ngay từ đầu năm kế hoạch, xây dựng ngay kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án, gắn trách nhiệm của lãnh đạo, tổ chức, cá nhân với kết quả giải ngân của từng dự án được phân công.

Tiếp đến là tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa. Theo đó, cần khẩn trương nghiên cứu, triển khai các chính sách kích thích tiêu dùng trong nước, nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường; hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi để phát triển thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường đầu ra qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thúc đẩy quản lý theo chuỗi.

Đối với thị trường ngoài nước, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định FTA đã ký kết.

Liên quan đến môi trường kinh doanh, Bộ trưởng Dũng lưu ý cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP; rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp phát sinh từ cơ chế, chính sách để giải phóng các nguồn lực cho phát triển; hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Đối với các doanh ngiệp, cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đối số trong doanh nghiệp; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thực hiện chuyển đổi số trên mọi cấp độ từ quốc gia tới địa phương và doanh nghiệp; tập trung thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cho hơn 800 nghìn doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Liên quan đến các giải pháp tăng cường sự độc lập, năng lực tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh, tình hình mới, Bộ trưởng Dũng lưu ý đến bối cảnh Covid-19 cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra những thay đổi lớn về kinh tế, chính trị, thương mại trên thế giới. Để thích ứng và phát triển trong tình hình mới, nhiều quốc gia đã và đang đề ra chiến lược, chính sách mới trong đó tập trung vào phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ…

Do vậy, Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, theo dõi, cập nhật các xu thế, mô hình mới, chính sách của các nước có tác động lớn đến nước ta và tập trung nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.

Bộ trưởng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, trong đó bao gồm nhiều nội dung, giải pháp tương đồng với các nội dung trên. Bộ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình mới và chiến lược của các quốc gia khác để báo cáo Chính phủ cùng với các nội dung của Đề án trong thời gian tới.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh