Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô mới hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả
Ngày nhập : 27/10/2021 16:21
Sự ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng để phục hồi kinh tế, điều kiện thuận lợi cho hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại.
 

Hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế luôn là một trong các giải pháp được đặt ra và thực hiện mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn do tác động ảnh hưởng của khủng hoảng hoặc thiên tai dịch bệnh.

Trong mỗi giai đoạn, thời kỳ có những giải pháp khác nhau và phù hợp với thực tế khó khăn và yêu cầu về tăng trưởng. Trước hết, về mặt chính sách đều hướng tới mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế xã hội đất nước, không khác nhiều so với khủng hoảng, như tăng trưởng kinh tế chậm lại, doanh nghiệp hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn, các thị trường ảnh hưởng. Nhưng lại đặc biệt và nghiêm trọng hơn khủng hoảng vì ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân. Các nguồn lực xã hội không chỉ tập trung cho công tác phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, mà còn tập trung công tác bảo đảm an sinh xã hội. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành cơ chế chính sách tập trung 4 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm: phòng chống dịch, duy trì - phục hồi sản xuất kinh doanh, tài chính tín dụng và lao động.

Dưới góc độ ngân hàng, chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN Việt Nam với mục tiêu kép là hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đây là giải pháp nền tảng phục hồi kinh tế và tăng trưởng ổn định, bền vững thời gian tới và những năm còn lại của giai đoạn 2020-2025 về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Trong đại dịch COVID-19 khác biệt so với những giai đoạn nền kinh tế bị tác động bởi khủng hoảng là mặc dù kinh tế-xã hội gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ và hoạt động ngân hàng vẫn ổn định. Sự ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng để phục hồi kinh tế, điều kiện thuận lợi cho hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Những nhận định và đánh giá trên phản ánh trên 3 phương diện chính sau :

Thứ nhất, sự ổn định kinh tế vĩ mô, với các yếu tố quan trọng như lạm phát hiện đang được kiểm soát, thị trường tài chính tiền tệ ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn đảm bảo. Từ đây tạo môi trường thuận lợi để thực hiện các giải pháp và cơ chế chinh sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ thực hiện nhanh chóng và phát huy hiệu quả ngay.

Thực tế thông tư 01/2020/TT-NHNN, thông tư 14/2021/TT-NHNN của NHNN các tổ chức tín dụng đã và đang triển khai thực hiện và hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Theo những quy định này, ngoài việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, các tổ chức tín dụng có thể thực hiện giảm ngay lãi suất cho khách hàng vay vốn mà không phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thị trường tiền tệ. Bởi lãi suất và điều hành lãi suất của NHNN trong thời gian qua và hiện nay đã tương đối ổn định, đặt trong mối liên hệ lạm phát - tỷ giá và tăng trưởng kinh tế. Sự liên thông này tiếp tục phản ánh hiệu quả và niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với chính sách tiền tệ của NHNN và sự ổn định ngày càng vững chắc của thị trường tiền tệ hiện nay.

Thứ hai, về cơ bản các yếu tố của sản xuất, như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nguyên giá trị, vừa qua doanh nghiệp chỉ là tạm ngưng hoạt động. Điểm này khác với mỗi khi khủng hoảng kinh tế hoặc khủng hoảng tài chính xuất hiện, doanh nghiệp thường bị đình trệ, đình đốn sản xuất và giá trị tài sản của doanh nghiệp bị hao mòn do lạm phát xuất hiện; giá cả tăng cao, chi phí tăng cao, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và phải mất nhiều thời gian mới phục hồi.

Thứ ba, lãi suất, tỷ giá ổn định, yếu tố quan trọng không chỉ góp phần hạn chế tăng chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng. Khác với khủng hoảng, mỗi khi khủng hoảng xuất hiện thường thị trường tài chính và tiền tệ ảnh hưởng là lãi suất tăng, tỷ giá biến động và thị trường chứng khoán điều chỉnh… Tất cả những yếu tố tác động ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến doanh nghiệp. Đặc biệt là hệ thống ngân hàng, tạo ra nhiều khó khăn trong hoạt động tín dụng, huy động vốn và ảnh hưởng đến quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng.

Tuy nhiên, hơn bao giờ hết luôn cần phải đảm bảo mối quan hệ hài hòa, hợp lý giữa hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ chỉ có ổn định kinh tế vĩ mô mới hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Ổn định kinh tế vĩ mô không được đảm bảo, sẽ rất khó để hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy cần thiết phải đảm bảo giữ ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu nhằm phát huy những lợi ích mang lại từ ổn định kinh tế vĩ mô – điểm nổi bật và khác biệt mang lại trong điều kiện khó khăn hiện nay do tác động ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch lịch sử mang tên COVID-19.

(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh