Dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức 3,8%
Ngày nhập : 22/07/2020 11:21
 
Theo các tác giả Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2 và 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức 3,8%

Ở kịch bản cơ sở (khả năng cao), dịch Covid-19 sẽ không tái phát trong nước trong khoảng thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường. Tăng trưởng kinh tế cả năm ở mức 3,8%.

Đó là một trong những dự báo mà các tác giả Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2 và 6 tháng đầu năm đưa ra. Bản báo cáo được Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) công bố sáng nay 21/7, tại Hà Nội.

Tuy nhiên, Báo cáo nêu trên cũng đưa ra một kịch bản bất lợi hơn, dù khả năng xảy ra thấp, theo đó tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ ở mức 2,2%; dù dịch bệnh vẫn được khống chế hoàn toàn trong khoảng thời gian còn lại của năm.

Ở kịch bản này, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải kéo dài thời gian phong toả sang quý 4/2020 dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu, các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp. Dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước đối với loại hình dịch vụ này cũng hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng.

Nêu khuyến nghị chính sách, Báo cáo của VEPR nhấn mạnh, do nguồn lực tài khoá hạn hẹp, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự một số nước khác. “Trong trường hợp của Việt Nam, việc chủ động cắt giảm các chi phí bắt buộc như phí và hoãn/ giảm thuế đối với doanh nghiệp có giá trị kích thích và hỗ trợ kinh tế hiệu quả hơn so với cứu trợ hoặc tài trợ trực tiếp”, Báo cáo nêu rõ.

Đặc biệt, các tác giả Báo cáo cho rằng, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng “đệm tài khoá” để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19 hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này trong những năm tới…

Chính vì thế, một khuyến nghị quan trọng từ các chuyên gia là “trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch”.

(Nguồn: Tri thức trẻ)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh