Dòng vốn FDI chất lượng tiếp tục dịch chuyển vào Việt Nam
Ngày nhập : 25/01/2021 13:54
Dòng vốn FDI chất lượng cao đang ngày càng đổ vào Việt Nam nhiều hơn nhờ ưu thế từ hàng loạt Hiệp định FTA, cùng việc cải thiện chính sách thu hút đầu tư, hạ tầng…
 

Mới đây, Foxconn Singapore - một trong những nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho Tập đoàn công nghệ Apple, đã nhận giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án nhà máy với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 6.200 tỷ đồng tại các tỉnh phía Bắc.

Tại khu kinh tế phía Nam, chỉ riêng ở Đồng Nai, trong 13 ngày đầu năm 2021 đã thu hút được 11 dự án FDI với tổng số vốn hơn 226 triệu USD.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định năm 2020, trong bối cảnh vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn cầu suy giảm tới 40%, kết quả thu hút FDI của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng vốn đăng ký đạt hơn 28,5 tỷ USD. Mặc dù giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm mở rộng đầu tư tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn đầu tư của các doanh nghiệp FDI.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những dự án hút dòng vốn ngoại gần đây tập trung nhiều vào các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp chế biến.

Với những kết quả trên, các chuyên gia cho rằng tổng vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 sẽ cao hơn mức 28,5 tỷ USD (vốn đăng ký) và 19,98 tỷ USD (vốn thực hiện) như mục tiêu đã đề ra.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng nhiều là do Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua các bộ luật quan trọng liên quan đến đầu tư - kinh doanh như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) với nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn…

Ngoài ra, các FTA như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… và loạt FTA khác đã mở ra hướng hợp tác mới, rộng lớn, toàn diện cho Việt Nam.

Tuy đạt những kết quả tích cực, nhưng theo giới phân tích kinh tế, gần đây các lợi thế vốn có của Việt Nam đang dần mất đi và một số thách thức mới đã xuất hiện, trong đó có các yêu cầu về lao động tay nghề cao và sự xuyên suốt, đồng bộ của chuỗi cung ứng trong nước. Do đó, một số ý kiến cho rằng, ngoài ưu tiên chính sách cho doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mạnh mẽ và phù hợp hơn. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nội gia tăng năng lực cạnh tranh, góp phần giúp Việt Nam từng bước cải thiện vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó tạo nền tảng thu hút FDI chất lượng hơn.

(Nguồn: Theo VTV Digital)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh