Đổi mới sáng tạo là chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua thách thức
Ngày nhập : 05/11/2021 16:18
Đó là khẳng định của bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Lễ công bố Báo cáo về "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam" và "Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế", ngày 3/11 tại Hà Nội. 

Theo Báo cáo, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong chuyển đổi kinh tế với những thách thức chưa từng có tiền lệ trên thế giới và trong nước, đặt ra nhu cầu bức thiết cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong chương trình nghị sự phát triển quốc gia.
 

Sức ép đổi mới sáng tạo

Trên đà các thành tựu đạt được, Việt Nam có khát vọng tham gia nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, và theo đuổi hình mẫu phát triển như Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản.

Những thách thức về suy giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, tốc độ phát triển nhanh chóng về công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, cùng với khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19 mang lại khiến Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, nhất là trong các chuỗi giá trị sản xuất và du lịch.

Việc ứng dụng và truyền bá các công nghệ mới, công nghệ kỹ thuật số cùng với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang đến cơ hội nâng cao năng suất và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng. Sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, đặc biệt là làn sóng mới về số hoá, tự động hóa, và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tinh vi sẽ định hình lại chiến lược định hướng xuất khẩu dựa trên thâm dụng lao động với chi phí thấp của Việt Nam.

Các đột phá công nghệ trong quá trình sản xuất và phân phối sẽ tác động đến các ngành sản xuất ở mức độ khác nhau, đồng thời mang lại cơ hội mới cho các ngành dịch vụ như một nhân tố bổ trợ cần thiết thúc đẩy thành công của các ngành sản xuất. Các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng kỹ thuật số và các công ty “siêu ứng dụng” như ZaloPay, Momo mang lại nhiều triển vọng hứa hẹn.

Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, đầu tư vốn cổ phần tư nhân (VCPE). Đại dịch Covid-19 bùng phát càng cho thấy nhu cầu phải đẩy nhanh tốc độ ứng dụng, phổ biến công nghệ, mô hình kinh doanh mới và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ tăng trưởng và tính linh hoạt của doanh nghiệp.

Phát biểu tại sự kiện, bà Carolyn Turk cho rằng sự phát triển kinh tế Đông Á trong thập kỷ qua rất đáng chú ý khi giúp hàng triệu người thoát nghèo. Các thách thức về xung đột toàn cầu, đại dịch Covid-19 và tăng trưởng năng suất toàn cầu chậm lại khiến khu vực khó bắt kịp, đây cũng là vấn đề của Việt Nam.

Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng tính tổn thương, đại dịch đảo ngược kết quả giảm nghèo cho thấy tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với phát triển kinh tế cũng như quá trình số hóa. Tăng cường nguồn nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng để có thể đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, có nhiều bằng chứng cho thấy việc áp dụng công nghệ mang lại kết quả tốt về mặt kinh tế và cách tư duy giúp xây dựng khung chính sách giúp gắn kết nguồn lực.

“Báo cáo là cơ sở để các nhà chính sách sử dụng hoạch định về chiến lược, là đóng góp khoa học, phù hợp với các lĩnh vực chính”, bà Carolyn Turk nói và cho rằng, Việt Nam có thể nâng cao năng lực doanh nghiệp, thúc đẩy hấp thụ công nghệ mới, tăng cường khả năng tiếp cận.

“Đổi mới sáng tạo trở thành chìa khóa để vượt qua các thách thức hiện có, là chiến lược đột biến cho đổi mới sáng tạo Việt Nam”, Giám đốc WB tại Việt Nam khẳng định.

Còn nhiều dư địa

Báo cáo nhấn mạnh, còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và chiếm 1/2 lực lượng lao động. Khoảng 20% hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ và mức độ tinh vi về kinh doanh để có thể tăng năng suất và mở rộng thị trường.

Báo cáo nhận định, có rất nhiều cơ hội để cải thiện năng suất doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng và phổ biến công nghệ tại Việt Nam. Về công nghệ kỹ thuật số, kết quả khảo sát mới đây về áp dụng công nghệ (2020) cho thấy, với các loại hình kinh doanh khác nhau, trung bình chỉ có 20% doanh nghiệp sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng kinh doanh chung (GBF) tại Việt Nam - bao gồm tiếp thị, thanh toán, lập kế hoạch sản xuất để hỗ trợ bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng, bán hàng.

Đồng thời, có rất nhiều dư địa để tăng cường số hóa các trong hoạt động của doanh nghiệp. “Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần tăng cường mức độ sẵn sàng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và nền sản xuất linh hoạt hơn trước các thách thức hiện hữu song hành cùng cú sốc của đại dịch Covid-19”, báo cáo khuyến nghị…

Những ưu tiên hàng đầu

Phát biểu tại sự kiện, bà Robyn Mudie - Đại sứ Australia tại Việt Nam đánh giá, báo cáo là nguồn tham khảo chính sách quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cho thấy tính hiệu quả và nhân tố đổi mới sáng tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế so với vốn và lao động giá rẻ.

Theo bà Carolyn Turk, Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, có nhiều cách tiếp cận khác nhau để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và báo cáo này đưa ra những ý tưởng có thể phù hợp cho Việt Nam.

Báo cáo khuyến nghị, nâng cao năng lực doanh nghiệp nên là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy tiếp cận công nghệ mới. Cần đa dạng hóa đáng kể các mô hình cho dịch vụ tư vấn kinh doanh và đổi mới công nghệ, củng cố khung pháp lý, loại bỏ các chính sách gây bóp méo thị trường và thúc đẩy sân chơi bình đẳng thông qua cải thiện khung pháp lý cạnh tranh tại Việt Nam.

Ngoài ra, để khuyến khích các công ty đa quốc gia chia sẻ công nghệ với doanh nghiệp trong nước cũng như cho phép họ thực hiện R&D tại Việt Nam mà không gặp rủi ro bị xâm phạm bản quyền, một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả và duy trì thực thi liên tục có vai trò rất quan trọng.

Mặc dù Việt Nam có tăng trưởng tín dụng nhanh chóng, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Để thực hiện trọng tâm chiến lược về đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Việt Nam cần nỗ lực thúc đẩy sự điều phối liên ngành hiệu quả và áp dụng các thực tiễn tốt nhất trong thiết kế và thực thi chính sách đổi mới sáng tạo…

                                                                                    (Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh