Đổi mới mạnh mẽ, tạo sức bật của nền kinh tế sau đại dịch
Ngày nhập : 15/12/2021 15:15
Việc tái cơ cấu kinh tế thời gian tới cần đạt được sự bứt phá về năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế chủ lực, có sự chuyển biến thực chất rõ nét về mô hình tăng trưởng. Sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp cần có sự phát triển và nâng cao sức chống chịu, thích ứng trước những diễn biến phức tạp từ bên trong cũng như bên ngoài.
 


Ưu tiên những “mũi nhọn” tạo đột phá

Phát biểu tại Diễn đàn “Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp”, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã thống nhất quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để đảm bảo ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, Viện trưởng CIEM nhận định, cần có sự kế thừa và phát triển những kết quả, thành tựu trong giai đoạn trước, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực có hạn, cần ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng tâm để tạo đột phá, lan truyền sang các lĩnh vực khác.

Phân tích bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch khiến nền kinh tế vĩ mô còn nhiều rủi ro, áp lực lạm phát, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… TS. Lê Võ Phương Nga - Giám đốc Quản trị Tài chính, Ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Agricole Pháp, Giám đốc Tài chính AVSE Global cho rằng, việc tái cơ cấu kinh tế nói chung đã có sự thay đổi và Việt Nam cũng cần định hình lại. Theo đó, bà Nga đưa ra nhận định về bốn bài toán cần giải để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế. Đầu tiên là mô hình kinh tế tương lai, hướng đến phát triển kinh tế xanh và kinh tế số. Tiếp đó là cần nâng cao tương tác quốc gia, khả năng cạnh tranh, khả năng hợp tác, vị thế trong chuỗi giá trị và tương tác về nguồn lực lao động.

Cùng với đó là tái cơ cấu kinh tế về chiều sâu, không chỉ thay đổi cấu trúc mà là thứ tự ưu tiên, cần phân bổ lại nguồn lực phát triển ở tầm quốc gia, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin. Và cuối cùng là thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã giảm hai năm liên tiếp do tác động của đại dịch, điều đó cho thấy các nước cũng đang đi rất nhanh và nhanh hơn cả Việt Nam. Áp lực hiện tại là cải cách thể chế và môi trường kinh doanh không phải trên giấy tờ mà bằng hành động cụ thể từ phía Nhà nước để chào đón doanh nghiệp.

Để giải được các bài toán này, theo bà Nga, cần tái cơ cấu nền kinh tế sau khủng hoảng bằng huy động nguồn lực nội tại. Trước hết là tận dụng nguồn lực về tài chính trong dân, lượng tiền bơm vào nền kinh tế nằm rải rác trong dân. Việc đẩy được lượng tiền này vào lại nền kinh tế là cực kỳ cấp bách cho việc phục hồi.

Giải pháp tiếp theo là tăng cường phục vụ thị trường nội địa. Bên cạnh đó, sử dụng tích cực công cụ thuế và đòn bẩy tài chính để định hướng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tái cơ cấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho Việt Nam.

Ngoài ra, cần phát triển từ nội lực, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển sức mua nội địa. Đồng thời, cần tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi cơ cấu từ chiều rộng sang chiều sâu, từ thang giá trị thấp lên thang giá trị cao, thâm nhập thị trường khu vực và thế giới. Đặc biệt, cần ưu tiên ngành trong tương quan với khu vực và quốc tế, tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

TS. Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng đó là hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đẩy nhanh đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề. Nếu chúng ta tập trung đúng mức vào trụ cột nâng cao kỹ năng lao động và đổi mới công nghệ, thì “lò xo” năng suất lao động sẽ kích hoạt và bung ra, giúp nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững, theo kịp với sự phát triển của thế giới.

Nâng cao tính tự cường của doanh nghiệp

Trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 5 năm tiếp theo, ông Lê Duy Bình - Giám đốc Ecomomica Việt Nam cho rằng, phải tạo ra một không gian mới cho doanh nghiệp. Thực tế, cơ cấu của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay đang có khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng chỉ có hơn 800.000 doanh nghiệp đang thực sự hoạt động. Số doanh nghiệp đã khai sinh nhưng không tồn tại, không đi vào hoạt động là rất lớn. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thuộc lĩnh vực dịch vụ, giá trị gia tăng của doanh nghiệp rất thấp. Nền kinh tế đang thiếu doanh nghiệp lớn, cỡ vừa, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Vì vậy, cần chú trọng phát triển doanh nghiệp cỡ vừa, là những doanh nghiệp tiềm năng để phát triển thành doanh nghiệp lớn…

Đáng chú ý hiện các doanh nghiệp FDI đóng góp tới khoảng 70% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Do vậy, cần nâng cao tính tự cường của doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, cần cải cách khu vực kinh doanh cá thể, nâng cao tính chính thức, chuyển đổi khu vực này thì mới đảm bảo quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp bền vững hơn.

Bà Lê Võ Phương Nga khuyến nghị, bản thân doanh nghiệp cần xác định nút thắt của ngành hoạt động như vốn, công nghệ, lao động. Tập trung vào khả năng thích ứng và khả năng chống chọi của doanh nghiệp, lợi nhuận mới theo sau đó. Đồng thời, tương quan tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực cạnh tranh hợp tác và đón bắt các xu thế trong nước và quốc tế về xu thế ngành, chuỗi giá trị, công nghệ, dịch chuyển vốn và lao động.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận, khi muốn phát triển bền vững phải gắn với sự phát triển bền vững của đất nước. Nếu không chủ trương phát triển xanh mà chỉ tập trung vào phát triển nhanh, sau đó quay lại giải quyết các hậu quả về môi trường sẽ mang lại những tổn phí lớn, không chỉ về công sức và thời gian, mà còn ảnh hưởng đến lộ trình lớn trong tương lai.

Chính vì vậy, doanh nghiệp nên quan tâm và nắm bắt cơ hội này. Ông Huân cho biết, trong cơ cấu đầu tư công, vốn của nhà nước sẽ chỉ là vốn mồi để kêu gọi nguồn lực từ khu vực tư nhân, đây là dư địa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển xanh, trong đó các lĩnh vực về xử lý môi trường đã có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp chung tay cùng nhà nước.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh