Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài
Ngày nhập : 20/12/2021 16:07
Triển vọng thu hút vốn FDI trong thời gian tới là rất tích cực, tuy nhiên Việt Nam cần củng cố hơn nữa niềm tin cho nhà đầu tư và thể hiện mức độ quyết liệt khi thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư

Trao đổi tại Hội nghị “Hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thích ứng trong điều kiện kinh doanh mới”, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, có rất nhiều cơ hội dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó hiện với sự điều chỉnh kịp thời trong chiến lược phòng chống dịch, mở cửa nền kinh tế của Chính phủ, bước vào quý IV, tình hình đã có nhiều cải thiện, sản xuất kinh doanh cả nước đang trên đà phục hồi.

Chính phủ cũng đang tích cực chuẩn bị một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển nền kinh tế, trong đó tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp. Các biện pháp đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế, thủ tục hành chính cũng được đẩy mạnh, kế hoạch mở đường bay quốc tế đã được tính toán, tạo điều kiện cho chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bên cạnh đó, chiến lược tiêm chủng vaccine và áp dụng hộ chiếu, giấy thông hành vaccine dự kiến sẽ mang lại các cơ hội mới cho thị trường và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI.
 

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) bổ sung thêm, hiện Việt Nam đang có rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, đây là cơ hội cho cả nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước. Với việc có FTA với 59 đối tác, hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài sẽ gặp ít rủi ro, rào cản, chi phí hơn về thuế quan và các loại thuế phí khác, giúp nhà đầu tư đến Việt Nam tiếp cận được nhiều thị trường với ưu đãi hấp dẫn.

Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, từ góc độ của nhà đầu tư, điều này sẽ giúp môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn. Chính phủ cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, tương thích với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, mở ra cơ hội về thương mại không giấy tờ.

Về phía các doanh nghiệp FDI, ông Tharabodee Serng Adichaiwit - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) cho biết, tuy năm 2021 là một năm khó khăn với các doanh nghiệp, nhưng ước tính đến tháng 10/2021, Thái Lan vẫn đứng thứ chín trong số các nước đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư là gần 13 tỷ USD.

Mặc dù trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát vừa qua có tới 90% doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam bị ảnh hưởng trong sản xuất song tới hiện tại các đơn vị đã hoạt động trở lại gấp đôi công suất. Đặc biệt theo chia sẻ của Phó Chủ tịch ThaiCham, thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư của Thái Lan tiếp tục tìm đến Việt Nam với các dự án “tỷ đô”. Trong vài năm tới, dự kiến Thái Lan sẽ vươn lên vị trí thứ năm trong các quốc gia đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt xét với các dự án được phê duyệt.

“Chúng tôi tin nền tảng tốt trong quá trình chống dịch của Việt Nam sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI tăng trưởng tốt trong tương lai. Riêng với Thái Lan, chúng tôi kỳ vọng sẽ có khoảng 4.000-5.000 nhà đầu tư và hàng trăm ngàn du khách Thái Lan sẽ đến Việt Nam trong năm 2022. Đặc biệt, với ba lĩnh vực là sản xuất, năng lượng tái tạo và bán lẻ”, ông Tharabodee Serng Adichaiwit nhấn mạnh.

Cần cải thiện hơn nữa

Theo ông Nguyễn Anh Dương, điều nhà đầu tư quan tâm nhất lúc này đó là về diễn biến dịch bệnh và nguồn cung lao động. Nếu không có người lao động thì sản xuất cũng khó có thể phục hồi. Chính vì vậy, việc bảo đảm nguồn cung lao động đủ, sớm là yếu tố quan trọng, cần nâng cao vai trò của chính quyền trong việc tạo điều kiện cho người lao động yên tâm quay lại sản xuất…

Còn theo bà Catherine Tran - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Leonglee, một doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam cho rằng, chính các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị đối sách trong dài hạn. Theo đó, trong giai đoạn sắp tới, doanh nghiệp này có kế hoạch trở lại trạng thái bình thường mới với việc duy trì kế hoạch phòng ngừa dịch bệnh, nhân viên đi làm việc trở lại và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc của Chính phủ, tăng cường cạnh tranh và linh hoạt hơn, tối ưu hoá làm việc và quy trình hoạt động của công ty. Bên cạnh đó, khám phá các cơ hội kinh doanh với việc tham gia vào các lĩnh vực mới, thị trường mới, sẵn sàng thay đổi sản phẩm.

Theo chuyên gia CIEM, trong thời gian qua, để có thể xử lý hậu quả của dịch bệnh và để phục vụ cho phục hồi, thích ứng an toàn thì Việt Nam và cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đối thoại, đồng hành tích cực. Thời gian tới đây, Việt Nam cần tạo điều kiện hơn nữa, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư và thể hiện mức độ quyết liệt khi thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Đồng thời có những ý tưởng mới trong việc cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo niềm tin trong quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam cũng có thể học hỏi một số tư duy mới về xúc tiến đầu tư trên thế giới như Hàn Quốc đẩy mạnh chuyển đổi số, từ đó tạo ra các nền tảng trực tuyến để kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Ngoài ra, xu hướng đầu tư năm 2021 nổi lên đó là xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực y tế, các lĩnh vực liên quan thông qua nền tảng số. Việc tham quan địa điểm đầu tư diễn ra trên nền tảng ảo nhiều hơn, đòi hỏi phải truyền hình ảnh thời gian thực cho nhà đầu tư thông qua các công nghệ tiên tiến.

(Nguồn: Thời báo ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh