Cơ hội nào để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu năm 2022 ?
Ngày nhập : 14/02/2022 17:35
Sau thành công của xuất khẩu năm 2021 với hơn 363 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng thời cơ ngay từ đầu năm 2022 để đẩy mạnh xuất khẩu. Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6 - 8% trong năm 2022, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam cần tiếp tục bám chắc các thị trường chủ lực như ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc... Kiểm soát tốt hơn đối với các thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn…
 

Thấy gì từ mục tiêu 2022 ?

Xuất khẩu hàng hóa là kết quả nổi bật nhất của năm 2021, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay cả về mức tuyệt đối (363,31 tỷ USD), tỷ lệ so với GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đánh giá lại (92,9%), tốc độ tăng so với năm trước (19%) - cao gấp gần 7,4 lần tốc độ tăng GDP, duy trì mức xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp. Kết quả này còn ấn tượng hơn khi đạt được trong điều kiện đại dịch bùng phát trở lại với mức độ dữ dội hơn, lan rộng hơn, tập trung vào những địa bàn trọng điểm về xuất khẩu, trong điều kiện bị “đứt gãy” nguồn cung.

Từ kết quả của năm 2021, mục tiêu 2022 được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.

Ở góc độ thứ nhất, tốc độ tăng tuy chỉ có 6 - 8%, thấp xa tốc độ tăng của 2021, có một phần do số gốc so sánh (là năm 2021) đã ở mức rất cao nhưng vẫn cao hơn tốc độ GDP theo mục tiêu (6%).

Ở góc độ thứ hai, tuy chỉ tăng 6 - 8%, nhưng quy mô tuyệt đối vẫn ở mức cao nhất từ trước đến nay (nếu đạt được mục tiêu sẽ là 385,1 - 392,4 tỷ USD).

Ở góc độ thứ ba, tỷ lệ so với GDP của xuất khẩu hàng hóa sẽ bằng hoặc cao hơn 2021; cao nhất từ trước đến nay và tiếp tục nằm trong số ít quốc gia có độ mở rộng cao.

Ở góc độ thứ tư, xuất khẩu hàng hóa/đầu người đạt mức cao nhất từ trước đến nay, bởi tốc độ tăng dân số trung bình từ 2021 đã xuống dưới 1%. Nói cách khác, xuất khẩu hàng hóa bình quân đầu người sẽ tăng 5 - 7% so với mức kỷ lục 3.414 USD của năm 2021, tức là đạt khoảng 3.585 – 3.653 USD.

Ở góc độ thứ năm, do nhập khẩu năm 2021 tăng cao (26,5%) và đạt mức cao nhất so với các năm trước đó chủ yếu để bù đắp cho “đứt gãy” nguồn cung và do giá cả tăng cao (chiếm gần 1/3 tốc độ tăng kim ngạch), nên tốc độ tăng của năm 2022 sẽ không cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu. Theo đó sẽ có khả năng xuất siêu về hàng hóa. Mà xuất siêu sẽ có tác động tích cực đến tốc độ tăng GDP cao hơn mục tiêu được Quốc hội đề ra, tác động đến nhiều mặt kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Quyết liệt các giải pháp để đạt được mục tiêu

Mặc dù có rất nhiều triển vọng, tuy nhiên, mục tiêu tăng xuất khẩu từ 6 - 8% trong năm 2022 thực hiện không dễ dàng, do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do quy mô tuyệt đối của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 ở mức rất cao, có tốc độ tăng và mức tăng rất lớn. Với gốc so sánh này, để tăng 6 - 8%, mức tăng năm 2022 phải tăng 22 - 29 tỷ USD.

Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân về mặt hàng, năm 2021 có tới 41/45 mặt hàng chủ yếu tăng, trong đó có 10 mặt hàng có mức tăng rất lớn (trên 1 tỷ USD). Về địa bàn, có 54/63 tỉnh/thành phố tăng, trong đó 14 địa bàn có mức tăng trên 1 tỷ USD. Trong 80 thị trường xuất khẩu chủ yếu, có 64 thị trường tăng so với năm trước, trong đó có 10 thị trường có mức tăng lớn (trên 1 tỷ USD). Theo đó năm 2022 sẽ không dễ có nhiều mặt hàng, địa bàn, thị trường tăng và mức tăng lớn như vậy.

Do vậy, để đạt được mục tiêu cần phải có nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó có một số giải pháp chủ yếu. Trước hết là phải kiểm soát được đại dịch Covid-19, khi số ca nhiễm và số ca tử vong vẫn đang ở mức cao... Cùng với đó, triển khai nhanh việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về gói hỗ trợ tài khóa – tiền tệ với 6 yêu cầu về quy mô, tính khả thi (cả về nguồn lực, cả về hấp thụ), thực hiện nhanh ngay từ đầu năm và kết thúc gọn trước 31/12/2022, tập trung vào những lĩnh vực, đối tượng theo nghị quyết; phối hợp lồng ghép giữa chính sách tài chính và tiền tệ, giám sát, kiểm tra, xử lý các hiệu ứng phụ.

Đối với xuất khẩu, cần tập trung vào những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh về điều kiện tự nhiên, ưu thế về lao động, thị trường, nhất là các thị trường thuộc các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia; đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, giảm thiểu gia công lắp ráp để giải quyết công ăn việc làm, tăng thực thu, hạn chế nhập khẩu, nhưng tránh “bỏ trứng vào một giỏ” để hạn chế rủi ro, nâng cao hơn nữa tỷ trọng xuất khẩu còn quá thấp của khu vực trong nước. Đối với các mặt hàng nhập khẩu, cần khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, nhất là ham rẻ nhập khẩu kỹ thuật công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ, hàng hóa vi phạm xuất xứ, hàng hóa “xuất khẩu giùm, tiêu thụ hộ”... Kiểm soát tốt hơn đối với các thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn...

Điều hành tỷ giá VND/USD theo 2 hướng nhưng hài hòa giữa 2 tác động. Một mặt cần hạn chế việc giảm xuống như thời gian qua làm cho tỷ giá thương mại mang dấu âm, gây bất lợi cho xuất khẩu, nhập khẩu lại có lợi; nhưng cũng không để tăng cao, làm cho giá nhập khẩu tính bằng VND tăng kép (và do giá tính bằng USD tăng, vừa do tỷ giá VND/USD tăng), gây ra nhập khẩu lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô...

(Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh