Chuẩn bị tốt sức bật cho nền kinh tế
Ngày nhập : 09/03/2020 12:00
Mặc dù chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, song nhìn chung kinh tế-xã hội nước ta vẫn ổn định và có những điểm sáng.
 
 
Chia sẻ tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 diễn ra tại Hà Nội, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành đưa ra giải pháp cấp bách để chuẩn bị sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế khi dịch bệnh qua đi.

Về tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm, Chính phủ đánh giá, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Nhờ đó, chúng ta đã đạt được kết quả thành công bước đầu trong phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao.

Tuy nhiên, trong nhiều ngày qua, tại nhiều nước trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, số người mắc tăng nhanh, lan rộng sang nhiều nước, trong đó có những địa bàn là thị trường, đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước EU... Diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới vẫn tiếp tục hết sức phức tạp và khó lường, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Trong 2 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết hợp với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cúm gia cầm H5N1, H5N6… trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm do tác động của dịch, một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa đạt kết quả như dự kiến. Tuy nhiên bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng rất đáng mừng chứ không hoàn toàn là gam màu tối.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, điểm sáng đáng chú ý nhất chính là thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định. Đến ngày 20/2, so với cùng kỳ năm 2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,06%, huy động vốn tăng 14,15%. Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các TCTD tạm thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xây dựng kế hoạch hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch, áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ. “Như chúng ta biết, trước khó khăn, thiệt hại nặng nề của các cá nhân, DN bởi dịch Covid-19, 23 TCTD thông báo đã miễn, giảm lãi suất, khoanh, giãn nợ... cho 44.000 khách hàng với dư nợ tín dụng lên tới 222.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng biểu dương.

Điểm sáng nữa là trong bối cảnh khó khăn chung, kinh tế vĩ mô cơ bản tích cực; CPI tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước. Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn tăng trưởng, ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ; nhập siêu trong kiểm soát. Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; dịch bệnh dần được kiểm soát. Mặc dù chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, nhưng các ngành công nghiệp vẫn duy trì, ổn định và tiếp tục tăng trưởng khá. Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng cả về số lượng và vốn; số doanh nghiệp giải thể giảm sau nhiều năm...

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, nền kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những yếu kém nội tại của nền kinh tế, cũng như các tác động tiêu cực khác từ bên ngoài. Trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, hầu hết các chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Vì vậy, tại phiên họp Chính phủ hôm nay, các thành viên Chính phủ đã thảo luận dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó nhấn mạnh các cấp, các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong chỉ đạo phòng chống dịch, tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó  phù hợp, không để rơi vào thế bị động, thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại; sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với các biến động quốc tế.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chỉ thị sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp. Thứ nhất, giải pháp về vốn, tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử. Thứ hai, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Thứ ba, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu. Thứ tư, tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển ngành du lịch. Thứ năm, thúc đẩy đầu tư và giải ngân. Thứ sáu, rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong đó, có một số giải pháp cấp bách, cần được khẩn trương thực hiện như: Cân đối, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí…; giãn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Dũng, trong lúc dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, chúng ta phải tránh thanh toán trực tiếp mà chuyển sang thanh toán điện tử. Khoảng giữa tháng 3, Chính phủ sẽ tổ chức sơ kết 3 tháng thực hiện Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời khai trương trung tâm đánh giá dịch vụ công và công bố khoảng 10 dịch vụ công nữa được thực hiện trực tuyến qua cổng. Vì vậy thời điểm này cần tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến thay vì trực tiếp để tránh tiếp xúc trực tiếp, quan trọng hơn nữa là cắt giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh