Chính sách tài khóa là động lực cho phát triển kinh tế năm 2023
Ngày nhập : 06/02/2023 14:38
(TBTCO) - Chia sẻ với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Thị Mùi - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của chính sách tài khóa trong năm 2023 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức sau dịch Covid-19, góp phần quan trọng trong thúc đẩy nền kinh tế hồi phục và phát triển ổn định.
 

PV: Kinh tế nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn thách thức của dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới. GDP tăng 8,02%, lạm phát được kiểm chế tăng dưới 4% trong năm 2022. Thành công này có đóng góp quan trọng từ chính sách tài khóa linh hoạt và chủ động, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng vẫn còn một số điểm cần rút kinh nghiệm. Bà có bình luận gì về nhận định này ?

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi: Việc điều hành vĩ mô của Chính phủ đã có sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt giữa các công cụ chính sách, đặc biệt chính sách tài khoá phối hợp chặt chẽ, hợp lý và có hiệu quả với chính sách tiền tệ, như: cung tiền, tín dụng, lãi suất, bội chi ngân sách nhà nước và nợ công, đã và đang hỗ trợ tích cực cho việc phục ổn kinh tế - xã hội, ổn định vĩ mô.

Chính sách tài khóa đáng ghi nhận nhất là gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, miễn phí cho doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn. Chính sách này có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, hỗ trợ kinh doanh phục hồi phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và đời sống người dân.

Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, nhanh chóng đưa các quyết sách của Chính phủ vào cuộc sống, kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Nhìn chung chính sách tài khóa cơ bản đã phát huy hiệu quả, nhưng đi vào chi tiết chính sách liên quan đến thuế có những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Cụ thể như, việc triển khai cần kịp thời hơn, đối tượng thụ hưởng được công khai minh bạch để doanh nghiệp, người dân biết được. Trong năm 2023, chính sách tài khóa về thuế vẫn đóng vai trò quan trọng, động lực cho doanh nghiệp phục hồi và chống chịu với những tác động thách thức mới đặt ra do tác động của địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp.

Chính vì vậy, khi triển khai làm sao chính sách phải đi vào thực tiễn người dân hiểu được, hiểu đúng, tiếp cận được chính sách như mong muốn của Chính phủ là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi kinh tế - xã hội. Cần rút kinh nghiệm khi đưa chính sách ra thì chính sách cần có giải pháp, kế hoạch triển khai nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.

Muốn vậy, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng; các đơn vị triển khai thực hiện phải hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hiểu được và có thể thụ hưởng từ chính sách. Đó là thước đo chính sách tài khóa phát huy hiệu quả.

PV: Bước sang năm 2023, Quốc hội và Chính phủ cũng đưa ra nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ở góc độ chuyên gia kinh tế, bà cảm nhận thế nào ?

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi: Tôi cho rằng, không chủ quan với thành quả tăng trưởng kinh tế trong năm qua, Quốc hội và Chính phủ cũng lường trước được khó khăn, thách thức đặt ra trong việc đảm bảo kinh tế vĩ mô, thích ứng với biến động của kinh tế thế giới trong năm 2023.

Theo tôi, năm 2023, trước hết nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu tác động từ bên ngoài, đó là thị trường tài chính tiền tệ thế giới diễn biến bất ổn, lãi suất điều hành của các quốc gia có xu hướng tăng trong thời gian qua, để kiểm soát lạm phát mục tiêu theo mong muốn. Hoa Kỳ đã liên tục tăng lãi suất điều hành đã ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam trong nỗ lực đảm bảo quân bình tỷ giá với USD.

                                                                                  (Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh