Chính sách tài khóa - “cú hích” hỗ trợ nền kinh tế
Ngày nhập : 28/03/2022 17:01
(TBTCO) - Trong năm 2022 sẽ thực hiện gói chính sách tài khóa lớn được kích hoạt để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, việc giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí và lệ phí và tới đây việc tiếp tục thực hiện gia hạn nhiều khoản thuế và tiền thuê đất sẽ là chương trình tương đối toàn diện, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi, từ đó, tạo “cú hích” phát triển kinh tế.
 

“Điểm tựa” cho tăng trưởng

Thời gian qua, chính sách tài khóa đã đóng góp không nhỏ và có thể khẳng định là “điểm tựa” cho tăng trưởng kinh tế. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế. Đó là chưa kể những căng thẳng của tình hình địa chính trị trên thế giới, sẽ tác động tới nhiều mặt của kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam. Hơn lúc nào hết, các chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ phát huy vai trò, là động lực cho tăng trưởng.

Những năm đầu nhiệm kỳ giai đoạn 2021 - 2025, muốn thực hiện các mục tiêu của cả nhiệm kỳ, phải phấn đấu qua từng tháng, từng năm. Nếu buông lỏng các mục tiêu tăng trưởng, hệ quả là sẽ dồn áp lực vào cho các năm cuối nhiệm kỳ, khi đó việc thực hiện nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn.

Chính vì vậy, Chính phủ đã nhanh chóng trình Quốc hội nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây được cho là những giải pháp khá kịp thời, dài hơi, kéo dài trong 2 năm 2022 và 2023 với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp được triển khai. Trong đó, các chính sách tài khóa chiếm tới 83% trong tổng số các nhiệm vụ của chương trình này. Các chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từ đó quay trở lại có đóng góp vào ngân sách.

Mục tiêu của chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Tháo gỡ khó khăn tạo đà cho giai đoạn tới

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một trong những ưu tiên quan trọng của Chính phủ và Quốc hội là đưa ra các giải pháp phù hợp giúp nền kinh tế tái phục hồi và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trở lại để tạo đà cho sự tăng trưởng trong giai đoạn tới. Do thách thức của dịch Covid-19 khiến tốc độ suy giảm kinh tế trở nên rất rõ. Chương trình này tương đối toàn diện cùng với những chính sách về y tế giúp Việt Nam chủ động đối phó với đại dịch, để đạt được mục tiêu kép, vừa tăng trưởng kinh tế vừa phòng chống dịch hiệu quả.

Chưa bao giờ, Quốc hội tổ chức một kỳ họp bất thường như vừa qua. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, đã có những quyết sách hết sức đặc biệt. Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, trong đó có nhiều dự án luật sửa đổi sẽ cởi những “nút thắt” là những vướng mắc trong quá trình thực hiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, như: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt…

Việc mạnh dạn sửa đổi những dự án luật nêu trên góp phần tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay. Đồng thời, việc sửa luật thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân và giải quyết những rào cản đối với doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đây là cơ hội tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2022 và thời gian tới.

Trong thực hiện tổng thể các giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ đặt ra cho năm 2022. Hiện Bộ Tài chính đang tích cực nhiều nhiệm vụ đề ra theo đúng kế hoạch, trong đó đang khẩn trương để trình cấp thẩm quyền tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.

Ở góc độ chính sách tài khóa, thời gian qua đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu ngân sách nhà nước khác để giúp doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh tiết giảm chi phí, có thêm nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, linh hoạt giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đòi hỏi ở mức cấp thiết hơn nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ không còn dồi dào như những năm trước đây……

                                                                                                 (Nguồn: Thời báo Tài chính)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh