Chính sách tài chính và việc thực hiện "mục tiêu kép"
Ngày nhập : 25/12/2020 16:00
 
Chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia có thể sẽ có mức tăng trưởng âm kỷ lục trong năm 2020, thậm chí xuống thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, cầu tiêu dùng suy giảm; sản xuất, đầu tư giảm mạnh.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trong 9 tháng đầu năm 2020. Để đạt được kết quả này, Việt Nam đã kịp thời triển khai các chính sách tài chính nhằm thực hiện "mục tiêu kép", vừa kiểm soát đại dịch Covid-19, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2020

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên có ca lây nhiễm dịch Covid-19, đồng thời là nền kinh tế có độ mở lớn, có quan hệ giao lưu nhiều mặt (kinh tế, thương mại, du lịch, học tập) với nhiều quốc gia, do đó, chịu tác động của đại dịch Covid-19 là tất yếu.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với các giải pháp kịp thời, đúng đắn nên nhìn chung nước ta đã giảm thiểu được những tác động tiêu cực trong thời gian qua. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III/2020 ước tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019 và GDP 9 tháng đầu năm 2020 tăng 2,12%.

Mặc dù, đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020, nhưng Việt Nam lại là một trong số ít nước đạt mức tăng trưởng dương trong bối cảnh diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp. Trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2020, có mức đóng góp của ngành công nghiệp và xây dựng là 58,35%, tiếp đến là ngành dịch vụ đóng góp 28,03% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 13,62%.

Đồng bộ các giải pháp tài chính để thực hiện "mục tiêu kép"

Ngay từ đầu năm 2020, nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã kịp thời báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt và tổ chức thực hiện các gói kích thích tài khóa: Giảm thuế, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ tiền mặt cho đối tượng khó khăn, hoãn đóng bảo hiểm xã hội, giảm giá điện.

Theo đó, Việt Nam đã đưa ra gói kích thích tài khóa tương đương 4,3% GDP bao gồm giảm thuế và tiền thuê đất có quy mô 180.000 tỷ đồng... Việt Nam cũng đã thực hiện khoản chi tiền mặt cho an sinh xã hội với quy mô 62.000 tỷ đồng, giảm giá điện với tổng trị giá 11.000 tỷ đồng và hoãn đóng bảo hiểm xã hội trị giá 9.500 tỷ đồng.

Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chức năng thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như: Miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng; nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước sát trùng, các vật tư, thiết bị cần thiết để phục vụ cho việc phòng, chống dịch Covid-19; ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu như khẩu trang y tế, nước sát trùng, nước rửa tay, bộ trang phục phòng chống dịch; ban hành bổ sung mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu tại danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", Chính phủ đã kịp thời quan tâm, hỗ trợ đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng…

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng tuỳ thuộc diễn biến của dịch (nhưng không quá 3 tháng), áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020.

Đối với đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng, áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả một lần. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng, áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả một lần. Đối với người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020 và được chi trả một lần.

Ngoài ra, còn có 02 chính sách đặc thù cho việc áp dụng quy trình đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện cho người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp như: (i) Người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng bởi dịch dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên; (ii) Người sử dụng lao động được hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp với thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000 đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, các chủ thể kinh doanh còn được Nhà nước hỗ trợ về gia hạn nộp thuế, miễn tiền nộp thuế chậm và gia hạn tiền thuê đất. Theo Công văn số 897/TCT-QLN ngày 03/3/2020 của Tổng cục Thuế nhằm kịp thời tháo gỡ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được gia hạn nộp thuế, miễn tiền nộp chậm theo các quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Theo đó, đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, thời gian gia hạn chậm nhất là ngày 31/12/2020; đối với tiền thuê đất, thời gian gia hạn là 05 tháng kể từ ngày 31/5/2020.

Với những giải pháp kịp thời, đúng đắn cùng sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã bước đầu thực hiện được "mục tiêu kép", vừa kiểm soát đại dịch Covid-19 không để lây lan trong cộng đồng nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

(Nguồn: tạp chí tài chính)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh