Xuất siêu tới 2,25 tỷ USD trong tháng 3 và 2,69 tỷ USD trong quý đầu năm
Ngày nhập : 13/04/2018 15:02
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3 nền kinh tế xuất siêu tới 2,25 tỷ USD, qua đó nâng mức xuất siêu trong 3 tháng đầu năm lên 2,69 tỷ USD, cao gấp hơn 2 lần con số xuất siêu 1,3 tỷ USD theo ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê.
 

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt tới hơn 21,13 tỷ USD trong tháng 3, tăng 47,5% so với tháng trước; lũy kế 3 tháng đầu năm đạt hơn 55,56 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 18,88 tỷ USD trong tháng 3, tăng 34,5% so với tháng trước; lũy kế 3 tháng đạt 52,87 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư (xuất siêu) tới 2,25 tỷ USD trong tháng 3, cao hơn nhiều con số xuất siêu 800 triệu USD như ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê. Vì thế, tính chung 3 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu tới 2,69 tỷ USD thay vì chỉ xuất siêu 1,3 tỷ USD như số liệu ước tính trước đó.

Tuy nhiên, đóng góp chủ yếu vào thành tích xuất khẩu và xuất siêu này vẫn là khu vực xó vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khối này đạt tới 15,25 tỷ USD trong tháng 3, tăng 46,2% so với tháng trước và chiếm tỷ trọng 72,17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong tháng 3. Lũy kế 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của khối này đạt hơn 39,76 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 71,56% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của khu vực FDI đạt hơn 11,41 tỷ USD trong tháng 3, tăng 34,2% so với tháng trước; lũy kế 3 tháng đạt gần 31,71 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ.

Như vậy, khu vực FDI xuất siêu tới 3,84 tỷ USD trong tháng 3 và xuất siêu 8,05 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm. Có nghĩa, khu vực kinh tế 100% vốn trong nước nhập siêu 1,59 tỷ USD trong tháng 3 và nhập siêu 5,36 tỷ USD trong quý đầu năm.

Mặc dù vậy, xuất nhập khẩu tăng mạnh trong tháng 3 cũng đã phần nào cho thấy hoạt động sản xuất đã lập tức vào guồng ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chứ không còn tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” như trước đây. Đó là một tín hiệu vô cùng đáng mừng đối với nền kinh tế.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh