Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của châu Á
Ngày nhập : 27/03/2018 16:13
Hiện Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của châu Á. Nhưng nguồn cung nguyên liệu trong nước không đủ cho chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nên hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn...

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã đạt gần 8 tỷ USD, trong khi Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp 2016-2020 đặt mục tiêu năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 8-8,5 tỷ USD. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang có triển vọng tăng trưởng tốt, vì thế “ngành gỗ đã tự tin nói với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rằng năm 2018 này sẽ phấn đấu đạt kim ngạch 9 tỷ USD”, ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết.

Như vậy là không chỉ về đích trước 3 năm, chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản hiện đang đứng trong top 10 các ngành đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước. Trong tổng kim ngạch 8 tỷ USD, có 300 triệu USD là giá trị xuất khẩu các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như sản phẩm mây tre, cói và thảm; 7,7 tỷ USD là xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
 

Ghế gỗ xuất khẩu của Mifaco

“Xuất khẩu gỗ của Việt Nam tăng cả về lượng và chất. Riêng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ là 5,2 tỷ USD, chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của châu Á”, ông Tô Xuân Phúc ở Tổ chức Forest Trends bình luận.

Hiện gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang xuất khẩu sang khoảng 20 quốc gia, trong đó 4 thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc với giá trị kim ngạch từ 4 thị trường này lên tới trên 5,8 tỷ USD. EU cũng là một trong những thị trường quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 sang EU chiếm 9,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ.
 
 
Tuy nhiên, song song với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, ngành gỗ cũng nhập khẩu rất nhiều. “Hiện Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của châu Á. Nhưng nguồn cung nguyên liệu trong nước không đủ cho chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ nước ngoài. Năm 2017, các DN ngành gỗ đã đầu tư hơn 2,1 tỷ USD để nhập khẩu gỗ, tăng khoảng 345 triệu USD (tăng 18,8%) so năm 2016”, ông Tô Xuân Phúc cho biết.

Với 2,1 tỷ USD nhập khẩu gỗ tương đương với 28,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm. Đáng chú ý, tốc động tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng tưởng 12,6% của kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016-2017. “Điều này có nghĩa rằng nếu nhập khẩu gỗ và xuất khẩu gỗ duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay, cán cân thăng dự thương mại của ngành sẽ có thể giảm trong tương lai”, ông Phúc lưu ý.

Một điểm các DN ngành gỗ cần lưu ý nữa được ông Nguyễn Tử Kim – Viện Công nghiệp rừng cho khuyến cáo là hãy thận trọng với nguồn gốc gỗ nhập khẩu để giảm thiểu rủi ro. Hiện Campuchia và châu Phi là 2 nguồn cung cấp gỗ nhiều cho Việt Nam nhưng lại có độ biến động rất cao. Tính ổn định/biến động của các nguồn cung liên quan trực tiếp đến các chính sách quản lý và sử dụng tài nguyên tại các quốc gia này. Tính không ổn định về chính sách và thực thi chính sách làm cho nguồn cung gỗ nguyên liệu từ các quốc gia này tiềm ẩn những rủi ro về mặt pháp lý.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh