Việt Nam có nhiều dư địa tăng hiệu suất
Ngày nhập : 14/12/2017 14:54
Mô hình cũ không thể giúp Việt Nam gia tăng tốc độ tăng trưởng một cách nhanh chóng và bền vững. Tăng năng suất chính là chìa khóa để tăng trưởng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước.

Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) năm 2017 đã khai mạc sáng nay (13/12/2017) với chủ đề “Tăng năng suất, đòn bẩy của tăng trưởng bền vững”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu.
 

Quang cảnh diễn đàn

Tại Diễn đàn, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - đồng chủ trì Diễn đàn tại Việt Nam phát biểu: Nâng cao năng suất chất lượng là vấn đề tối quan trọng đối với triển vọng phát triển trung hạn của Việt Nam giúp Việt Nam thực hiện được ước vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao đến năm 2035.

Năm 2017, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận. Nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên. Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới và cả trong nước đã có nhiều thay đổi, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam.

Đồng chủ trì Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng xác định: Tăng năng suất lao động đang ngày càng đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năng suất là yếu tố đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP năm 2017, cao hơn khá nhiều so với mức 66,3% giai đoạn 1990-2000 và 61,9% giai đoạn 2000-2012.

“Những con số biết nói đó cho thấy, không tăng nhanh năng suất lao động, Việt Nam không thể nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP”, Bộ trưởng Dũng nói. Nhưng “nâng cao năng suất đang là thách thức đối với Việt Nam”.

5 năm qua, Việt Nam đã đạt hồi phục tăng trưởng đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn có quan ngại về xu hướng đạt mức tăng trưởng năng suất yếu. Mức tăng trưởng năng suất của Việt Nam hiện nay là 4% so với 7% của Trung Quốc và 5% của Hàn Quốc khi 2 nước này ở cùng mức phát triển như Việt Nam. Mức tăng trưởng năng suất hiện nay khó có khả năng giúp Việt Nam có được tăng trưởng nhanh và bền vững theo con đường phát triển của các nước như Hàn Quốc và Singapore.

"Vậy làm sao Việt Nam có thể giải quyết những thách thức về tăng năng suất?”, ông Ousmane Dione đặt vấn đề và cho rằng: Để tăng năng suất và cải thiện hiệu suất cần phải đưa ra từ đơn ngành đến liên ngành, đòi hỏi phải có thể chế thị trường hiệu quả và hỗ trợ của Chính phủ.

Ông Ousmane Dione khẳng định, Việt Nam có nhiều dư địa tăng hiệu suất trong các ngành kinh tế. Ông gợi mở cần nâng cao hiệu suất năng lượng trong công nghiệp, phát triển hệ thống giao thông, logistic hiệu quả hơn. Nhưng việc vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị đóng vai trò tối quan trọng để cải thiện năng suất.

Quá trình chuyển đổi nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như dịch chuyển từ mô hình lúa, hoa quả và tôm sang cơ cấu sản xuất có giá trị cao hơn là một ví dụ cụ thể. Những liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước và FDI đóng vai trò quan trọng để Việt Nam vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao năng suất của Việt Nam.

Và những cải cách và tăng cường thể chế thị trường hiệu quả cũng phải được đẩy mạnh để đạt được tăng trưởng năng suất cao hơn bao gồm nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí. Điều đó cũng có nghĩa chúng ta cần phải thúc đẩy thị trường hiệu quả hơn để phân bổ nguồn lực. Đây là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam có cách tiếp cận theo thị trường phân bổ nguồn lực sản xuất trong lĩnh vực thị trường vốn và đất đai hiệu quả hơn. Như vậy sẽ giúp đảm bảo nguồn lực được sử dụng cho những mục đích hiệu quả nhất.

Tăng cường chính sách về cạnh tranh và đảm bảo sân chơi bình đẳng, minh bạch cho các đối tác kinh tế là yếu tố quan trọng. Quan trọng nhất là giáo dục kĩ năng và đổi mới sáng tạo trong quá trình tìm kiếm cách thức để tăng trưởng năng suất của Việt Nam. Việt Nam đã làm tốt trong giáo dục phổ thông nhưng cần có tập hợp kĩ năng và kiến thức mới để đóng góp cho tăng trưởng năng suất và nền kinh tế đang thay đổi khi Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, dịch vụ,…

“Việt Nam không chỉ nên nghe kinh nghiệm của chúng tôi mà Việt Nam hãy nhìn những thất bại của chúng tôi để tránh”, GS.Michael Woods, Nguyên phó chủ tịch Hội đồng Năng suất quốc gia Australia nêu ý kiến. Kinh nghiệm của Australia là phát triển con người, nâng cao kỹ năng cho người lao động. Ông khuyến nghị Việt Nam cần phân bổ lại nguồn lực cho hiệu quả hơn, gia tăng nguồn lực cho đổi mới sáng tạo và đào tạo giáo dục. Theo ông, ở Việt Nam chất lượng đào tạo chưa tương xứng với yêu cầu phải nâng cao kỹ năng cho người lao động để họ đáp ứng tốt hơn yêu cầu người sử dụng lao động. Ông cũng cho rằng cần có chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh