Việt Nam: Hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững
Ngày nhập : 04/07/2019 15:00
Việt Nam đang ở ngã ba đường, nên đi theo hướng nào? Liệu có rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay đi đúng hướng để thành nước thu nhập trung bình và phát triển xa hơn? TS. Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.
 
 
Năm qua là một năm tốt đẹp, Việt Nam tiếp tục đạt những kết quả tốt về kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, nhưng cũng là một năm vất vả của WB tại Việt Nam. Nhiệm vụ nặng nề và vất vả vì trước hết, số lượng dự án thực hiện ở Việt Nam tăng lên với 3 dự án khá đặc biệt.

Cùng với đó, Việt Nam đã tốt nghiệp để trở thành quốc gia không nhận viện trợ và vốn vay ưu đãi cao... đã trở thành quốc gia vay IBRD theo nghĩa đầy đủ, nhưng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn hỗ trợ ODA và vốn vay ưu đãi vẫn chậm. Đồng thời có một số mảng công việc tiến triển không như mong muốn, chẳng hạn cải cách DNNN đang chậm trễ…

Một năm qua, WB vẫn đang tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh cải cách, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới 2021-2025. Chúng tôi tiếp tục tập trung vào những hạ tầng quan trọng để quốc gia tăng trưởng và không bị tụt hậu phục vụ phát triển mà Việt Nam chưa đủ nguồn lực thực hiện; tập trung tư vấn cho Việt Nam…

Kế hoạch và chiến lược phát triển cần tập trung vào định hướng những cải cách tương lai cho nền kinh tế, cho xã hội và bảo vệ môi trường, thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển bắt kịp cuộc CMCN 4.0.

Chúng ta có thể làm được nhiều để tạo trụ cột cho những cải cách trong 5 năm tới. Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu của đổi mới 1.0. Đổi mới sắp tới không thể giống như đổi mới 1.0 đã đưa Việt Nam đến ngày nay. Đổi mới trong cuộc CMCN 4.0 cần phải có bước đi sáng tạo về kinh tế, về xã hội, về giáo dục, về môi trường, để tạo đà đưa Việt Nam đi lên. Tôi cho rằng đó là điều quan trọng.

Vừa rồi WB cũng có nhiều buổi làm việc, tham dự nhiều hội thảo và tọa đàm, trong đó chúng tôi chia sẻ một số sản phẩm phân tích mà chúng tôi cho rằng Chính phủ cần quan tâm trong thời gian tới để cải thiện, cũng như xây dựng chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Liên quan đến nghị trình cải cách, đây là thời điểm chín muồi, là lúc nền kinh tế Việt Nam đã sẵn sàng để đẩy nhanh tốc độ cải cách nhanh hơn với những điểm nhấn quan trọng. Và tôi nghĩ người dân Việt Nam cũng đã sẵn sàng. Việt Nam cần phát huy một số cải cách cụ thể để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cần có nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Về vĩ mô, cần tiếp tục tập trung hiện đại hóa nền kinh tế, điều này rất quan trọng. Cải cách DNNN cũng rất quan trọng, nhưng không chỉ là thúc đẩy cổ phần hóa mà phải hướng đến có thể áp dụng quản trị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, bền vững tài chính, hợp lý hóa được nguồn lực và đổi mới sáng tạo.

Cách tiếp cận truyền thống của Việt Nam đã đạt tới giới hạn và đó là thách thức phải đối mặt. Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng quốc gia thu nhập thấp một cách rất thành công, nhưng phải tìm hướng tiếp tục vươn lên. Đó là việc phải rà lại mô hình, cần những động lực nào, chất liệu nào, phụ tùng nào để đưa vào cỗ máy cho nó chạy tiếp.

Đồng thời với đó là mối quan hệ giữa phát triển và tăng trưởng xanh, Việt Nam không thể ngó lơ tác động của ô nhiễm môi trường như nước thải, rác thải biển, rác thải nhựa, quản lý tài nguyên thế nào... Nếu phát triển kinh tế mà gây tổn hại đến môi trường thì cái giá phải trả sẽ rất cao. Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra, ô nhiễm gây tổn thất đến 2,5% - 3% GDP Việt Nam. Một số thành phố của Việt Nam, như Hà Nội, TP.HCM đang bắt đầu mất đi vẻ hấp dẫn vì ô nhiễm.

Trong phát triển, chuyển đổi năng lượng và sử dụng công nghệ sạch sang sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng nhiều và nhanh, có thể là điện mặt trời, điện gió, hoặc khí tự nhiên, để giảm xả thải… là điều quan trọng cần thực hiện. Có thể áp đặt hạn mức giảm xả thải cho các DN FDI, để các DN FDI   không chỉ chú trọng vào các ngành thâm dụng lao động, mà còn đem lại công nghệ mới.

Để trở thành quốc gia thu nhập trung bình thành công, Việt Nam cần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, bắt kịp cuộc CMCN 4.0. Công nghệ cũng phải được gắn kết với các ngành nghề đào tạo ở các trường học và nguồn nhân lực mà Việt Nam đang hình thành.

Với vị thế đang ở ngã ba đường, Việt Nam thực sự có thể tận dụng, nắm bắt những cơ hội của thời đại vào đúng thời điểm, đây là nhân tố quan trọng giúp tăng trưởng nhanh và bền vững.

Cải cách kinh tế là con đường duy nhất giúp Việt Nam có một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, giúp tăng trưởng với năng lực chống chọi mạnh mẽ với rủi ro tiềm tàng từ thiên nhiên, từ cạnh tranh lợi ích các nước lớn. Các bạn cần phải có khu vực tư nhân hùng mạnh hơn, vai trò của khu vực tư nhân không thể bị đánh giá thấp.

Chính phủ cần hành động, cùng cộng đồng hướng tới những hành động, cùng nhau để có nền tảng chung để xác lập một tương lai tương sáng cho Việt Nam. Cần duy trì cái đầu lạnh để tiến hành cải cách phù hợp đưa ra quyết định kịp thời, xác định con đường rõ nét.

(Nguồn: Tạp chí Tài chính)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh