Vẫn cần thúc đẩy thu hút vốn ODA
Ngày nhập : 16/08/2017 15:53
Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi vẫn giữ vai trò quan trọng, đặc biệt để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, quy mô lớn mà các nguồn vốn khác không tài trợ được, đồng thời góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nguồn vốn ODA vẫn giữ vai trò quan trọng trong quá trình đầu tư phát triển giai đoạn mới. Vì vậy cần có sự nhìn nhận và đánh giá lại về nguồn vốn này để có định hướng thu hút và sử dụng phù hợp thực tế giai đoạn 2017-2021.

Trong Báo cáo thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi do Bộ KH&ĐT công bố mới đây, cơ quan này cho biết, định hướng thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 17/2/2016. Sau hơn 1 năm triển khai đã xuất hiện một số yếu tố mới cần có nghiên cứu, cập nhật để định hướng này phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Cụ thể, Việt Nam đã chính thức tốt nghiệp nguồn vốn IDA của Ngân hàng Thế giới từ ngày 1/7/2017, sẽ tốt nghiệp nguồn vốn AFD của Ngân hàng Phát triển châu Á từ ngày 1/1/2019. Các nhà tài trợ song phương đã thay đổi điều kiện cho vay, một số nhà tài trợ lớn như Nhật Bản cũng dự kiến tăng lãi suất. Nguồn vốn ODA giảm dần và thay vào đó là các nguồn vốn vay kém ưu đãi có điều kiện vay đắt đỏ hơn. Đặc biệt trong bối cảnh Fed tăng lãi suất, đồng USD lên giá, lãi suất vay trên thị trường quốc tế đắt hơn giai đoạn trước đây. Cùng với việc tốt nghiệp nguồn vốn ODA ưu đãi, nguồn viện trợ không hoàn lại cũng giảm dần và có khả năng sẽ chấm dứt.

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy một số nước sau khi đạt mức thu nhập trung bình, đã giảm nguồn vốn vay nước ngoài và phát triển công cụ huy động vốn trong nước. Tuy nhiên ở các nước này, hệ thống cơ sở hạ tầng về cơ bản đã hoàn thiện, đồng thời quá trình phát triển thị trường nợ trong nước cũng cần khoảng hơn 10 năm.

Trong trường hợp của Việt Nam, thị trường vốn trong nước chưa phát triển trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn còn rất lớn. Vì vậy trong bối cảnh trình độ phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần phải dựa vào quy mô đầu tư để tạo ra tăng trưởng kinh tế.

Mặt khác cần thấy rõ vốn vay ODA không phải là nguyên nhân tạo ra nợ công tăng cao và tăng nhanh trong những năm gần đây. Dư nợ ODA hiện nay chiếm khoảng 30% nợ Chính phủ và có xu hướng giảm. Nguồn vay nợ chủ yếu hiện nay là vay nợ trong nước và vay bảo lãnh trong nước, chiếm khoảng 80% tổng vay nợ hàng năm và đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, thị trường trái phiếu Chính phủ lại chưa phát triển đủ mạnh, việc sử dụng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh chưa hiệu quả, trong khi đó nguồn vốn vay ODA có những ưu việt như điều kiện vay ưu đãi với lãi suất thấp (dưới 1%), thời gian ân hạn và trả nợ tương đối dài (30-40 năm). Chính vì vậy, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi vẫn giữ vai trò quan trọng, đặc biệt để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, quy mô lớn mà các nguồn vốn khác không tài trợ được, đồng thời góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Với các nhận định này, Bộ KH&ĐT cho rằng trong giai đoạn 2018-2020 và Kế hoạch 5 năm tiếp theo (2020-2025) vẫn cần tiếp tục thu hút và sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi. Tuy nhiên cần có sự lựa chọn thận trọng, thu hẹp lĩnh vực ưu tiên sử dụng nguồn vốn này, không ưu tiên cho các lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể thực hiện được.

Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng hạn mức vay nợ ODA và vốn vay ưu đãi quốc gia cho giai đoạn 2018-2020 và sau 2020 để làm căn cứ xác định số vốn ODA và vốn vay ưu đãi được huy động trong thời gian tới, đồng thời nghiên cứu khả năng cơ cấu lại nợ công để tăng hạn mức vay ODA và vay ưu đãi.

Khác với ý kiến của cơ quan quản lý, theo các chuyên gia kinh tế, việc giảm dần nguồn vốn ODA là việc cần thiết, không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn này mà cần phải đẩy mạnh, thu hút thêm các nguồn ngoại lực khác, cụ thể như vốn FDI. Cần coi nguồn vốn trong nước là quyết định, vốn nước ngoài là quan trọng.

Bởi vốn vay nước ngoài nói chung và ODA nói riêng là nguồn vốn quan trọng, nhưng suy cho cùng cũng chỉ là chất xúc tác giúp các nước đang phát triển huy động khai thác nguồn lực và tiềm năng bên trong của mỗi nước. Nếu sử dụng không hiệu quả thì việc thu hút quá nhiều vốn ODA sẽ gây cho nền kinh tế nguy cơ chịu đựng gánh nặng nợ lớn.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh