Tỷ giá giảm bớt áp lực
Ngày nhập : 07/03/2019 16:23
 
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá giảm bớt áp lực, nguồn cung ngoại tệ dồi dào và lớn hơn nhiều so với nhu cầu, cán cân thanh toán thuận lợi là những yếu tố giúp dự trữ ngoại hối nhà nước liên tục tăng.

Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua ròng khoảng 6 tỷ USD, tính riêng tháng 1/2019 đã mua thêm 4 tỷ USD và tiếp tục mua vào ngoại tệ trong tháng 2. Sau diễn biến căng thẳng hồi cuối năm 2018, thị trường ngoại hối tháng 1/2019 diễn ra ổn định, các áp lực với lãi suất, tỷ giá đã giảm đáng kể.

Dự trữ ngoại hối tăng mạnh

Trong tuần qua, tỷ giá giao dịch VND/USD trên thị trường đã giảm 10 đồng/USD ở cả chiều mua và bán, trong khi tỷ giá tự do giảm tới 20 đồng cả hai chiều, hiện ở mức 23.195/23.220 đồng/USD.

Kể từ năm 2016, khi chính thức áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, NHNN thường có xu hướng điều chỉnh tỷ giá mua nhằm tăng cường dự trữ ngoại hối và định hướng mặt bằng tỷ giá trong giai đoạn đầu năm mới. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN thường xuyên nâng giá mua USD.

Trong 3 tháng gần đây, tỷ giá trung tâm của NHNN quay trở lại xu hướng tăng. Tuần vừa qua, NHNN tiếp tục nâng thêm 17 đồng/ USD, lên 22.923 đồng/ USD và NHNN bắt đầu động thái mua ròng.

Đây là diễn biến rất tích cực khi gia tăng đáng kể dự trữ ngoại hối, đồng thời tăng lượng tiền VND lưu thông trong tháng sau Tết giúp thanh khoản trên hệ thống ngân hàng dồi dào.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia ngành ngân hàng cho biết, động thái này đã giúp NHNN mua được hơn 4 tỷ USD trong tháng 1, bổ sung đáng kể vào dự trữ ngoại hối quốc gia (ước đạt khoảng 65 tỷ USD) và NHNN đã có động thái tiếp tục mua vào ngoại tệ trong tháng 2.

"Với việc tỷ giá duy trì ổn định, đầu năm nay, một số ngân hàng thương mại cũng đã tiến hành hủy giao dịch mua ngoại tệ kỳ hạn thực hiện trước đó (tháng 11/2018), ước tính khối lượng hủy ngang vào khoảng 1 tỷ USD", chuyên gia này nói.

Các chuyên gia đến từ SSI đánh giá việc đón nhận các thông tin tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 về tăng trưởng, cán cân xuất nhập khẩu, chỉ số lạm phát…, áp lực quốc tế giảm bớt và gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối đã giải tỏa áp lực với tỷ giá.

Theo dõi thị trường, một số chuyên gia nhìn nhận, bên cạnh sự chủ động của NHNN là cân đối cung – cầu ngoại tệ được duy trì thuận lợi. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào và lớn hơn nhiều so với nhu cầu ngoại tệ, thể hiện rõ nhất qua việc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân 2 tháng đầu năm 2019 đạt 2,58 tỷ USD, tăng 9,8% – mức tăng cao nhất trong ba năm gần đây.

Không còn tâm lý găm giữ ngoại tệ

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2019 thặng dư 0,82 tỷ USD, tăng 4,5 lần; giải ngân đầu tư FDI đạt 1,55 tỷ USD, tăng 48%; kiều hối gia tăng mạnh mẽ theo chu kỳ mùa vụ trước Tết, ước đạt 1,5 - 2 tỷ USD, tăng 50 - 60% so với cùng kỳ năm 2018.

Về cầu ngoại tệ, nhu cầu ngoại tệ mua kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro tỷ giá chưa tăng đột biến thời điểm sau Tết, trong bối cảnh tỷ giá diễn biến khá ổn định.

Như vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, chênh lệch cung – cầu ngoại tệ khá cân bằng trong tháng 2 sẽ là một trong những cơ sở để NHNN tiếp tục mua vào ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối.

(Nguồn: Tạp chí Tài chính)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh