Triển vọng tăng trưởng sáng hơn trong nửa cuối năm
Ngày nhập : 01/07/2020 11:24
Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính chỉ đạt 1,81%, là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Mức tăng trưởng này cũng thấp hơn so với kịch bản thấp nhất mà cơ quan thống kê đưa ra trong tháng 4 cũng như tháng 5, vì vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2020. Mặc dù vậy, mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng của Việt Nam vẫn là mức tăng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
 

Khu vực trong nước dẫn dắt tăng trưởng

Sở dĩ GDP 6 tháng đầu năm tăng thấp như vậy là do quý II/2020, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. GDP trong quý vừa qua ước tính chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020…

Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, có thể khẳng định rằng mức tăng trưởng 6 tháng của Việt Nam là rất đáng khích lệ. Đó là nhờ dịch Covid-19 đã sớm được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế từng bước hoạt động bình thường trở lại, riêng hoạt động sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5/2020.

Ông Phạm Đình Thuý - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng cho rằng, trong điều kiện ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 thì mức tăng 2,71% của ngành công nghiệp là rất tích cực, đưa Việt Nam vào nhóm ít quốc gia trên thế giới có sản xuất công nghiệp tăng trưởng tốt.

Bên cạnh đó, sau 2 tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội dần được khôi phục, nhiều lĩnh vực khác cũng khởi sắc và đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của 6 tháng đầu năm. Lĩnh vực khởi sắc mạnh mẽ nhất chính là đầu tư công, thể hiện ở tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 6 (28,5%) và 6 tháng đầu năm (19,2%) đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với đó, theo đà của tháng 5, hoạt động thương mại dịch vụ trong nước tháng 6 tiếp tục tăng trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8%, song mức giảm đang thu hẹp dần.

Đặc biệt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã củng cố niềm tin cho cộng đồng DN. Theo đó trong tháng 6 có tới 13.700 DN đăng ký thành lập mới, tăng 27,9% so với tháng trước; vì thế tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62.000 DN thành lập mới, chỉ còn giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019. Điểm tích cực nữa là số DN quay trở lại hoạt động tăng 16,4%; DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 10,2% và số DN hoàn tất thủ tục giải thể giảm 5%.

Nhìn chung, các động lực chính cho tăng trưởng 6 tháng vẫn đến từ khu vực trong nước. Trong khi đó với thương mại quốc tế, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất nhập khẩu. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước; điểm sáng là xuất siêu vẫn duy trì ở mức 4 tỷ USD. Đối với đầu tư, vốn FDI thực hiện 6 tháng ước tính giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn nước ngoài thu hút vào Việt Nam cũng giảm 14,1%. Khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng giảm 55,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều ngành nghề, lĩnh vực lạc quan

Mặc dù nền kinh tế đã khởi sắc, song kết quả tăng trưởng 6 tháng vẫn ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu kế hoạch 6,8% của cả năm 2020. Tổng cục Thống kê tính toán, để đạt được kết quả này thì quý III và quý IV, GDP đều phải tăng trên 10%. Có thể nói đây là mục tiêu rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi. Bởi nhìn chung nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế, trong khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới. Tuy nhiên, ngay tại thị trường trong nước vẫn còn những điểm sáng có thể tận dụng để thúc đẩy tăng trưởng trong 2 quý còn lại của năm 2020.

Ông Phạm Đình Thuý chỉ ra, động lực lớn đang nằm ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, khi có tới 22/24 ngành cấp 2 có trên 50% số DN dự báo khối lượng sản xuất cuối năm tăng cao hơn 6 tháng đầu năm. Trong đó có nhiều ngành trọng điểm gồm thuốc, hoá dược và dược liệu; chế biến thực phẩm; sản xuất giấy; hoá chất; cao su; đồ uống; sản phẩm điện tử, máy tính và quang học… 

Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh đầu tư công sẽ kích cầu xã hội, tạo việc làm. Tổng cục Thống kê lưu ý, nếu hoàn thành toàn bộ kế hoạch đầu tư công của năm 2020 thì GDP sẽ có thêm 0,42 điểm % tăng trưởng. Ngoài ra, đầu tư công cho các công trình trọng điểm như giao thông, thuỷ lợi, nông nghiệp… sẽ tạo điều kiện thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước.

Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, sớm nhất là cuối năm nay dịch Covid-19 mới được kiểm soát trên thế giới và hoạt động kinh tế quốc tế mới được khôi phục hoàn toàn. Vì vậy, từ nay đến cuối năm tổng cầu sẽ phục hồi rất chậm và nếu không có biện pháp hỗ trợ tổng cầu thì tăng trưởng GDP năm 2020 có thể chỉ đạt dưới 5%.

Vì vậy, Tổ Tư vấn cho rằng cần tiếp tục các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết 84/NQ-CP. Ngoài ra, cần có chính sách thúc đẩy chi tiêu nhằm hỗ trợ tổng cầu và kích thích tăng trưởng, trước bối cảnh áp lực lạm phát do tăng tổng cầu trong năm nay sẽ không lớn.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh