Triển vọng 2019: Vận hội mới – Yêu cầu mới
Ngày nhập : 13/02/2019 15:08
Việt Nam bước vào năm 2019 với nhiều khởi sắc về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2019 chuyển biến tích cực. Đây là bước khởi đầu thuận lợi và đặt ra nhiều kỳ vọng cho năm nay – một năm “bứt phá” như phương châm của năm mà Chính phủ đã đặt ra.

Theo nghiên cứu kinh tế vĩ mô, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), 2019 cũng là một năm có nhiều động lực và cơ hội mới cho Việt Nam. Trước hết là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng và tiếp tục kỳ vọng trước những cam kết ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Đồng thời các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) và CMCN 4.0 có thể tạo thêm xung lực cho cải cách và tiếp cận nguồn lực (kỹ năng, công nghệ, vốn) từ bên ngoài.
 

Như vậy, Việt Nam bước vào năm 2019 với kỳ vọng về không ít cơ hội, nhưng cũng sẽ phải đối diện với nhiều thách thức đan xen. Trong nước, những yếu kém nội tại vẫn còn hiện hữu, cần tiếp tục xử lý, như chất lượng thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong khi bên ngoài, kinh tế toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt là những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, EU do xung đột thương mại leo thang, cộng thêm căng thẳng địa chính trị tại nhiều quốc gia, khu vực. Bên cạnh đó, điều kiện tài chính thắt chặt tại nhiều nền kinh tế chủ chốt cũng có thể ảnh hưởng tới dòng vốn toàn cầu…

Trong bối cảnh này, CIEM dự báo, hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư có thể gặp khá nhiều bất định, đặc biệt trong nửa đầu năm 2019. Dự báo cho cả năm, CIEM cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,93%; tăng trưởng xuất khẩu ở mức 9,4%; thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD; mức tăng giá tiêu dùng (bình quân năm 2019 so với bình quân năm 2018) là khoảng 3,88%.

Kịch bản của CIEM là kịch bản khá lạc quan so với kịch bản của Chính phủ được hé lộ trong các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Theo Nghị quyết 01, tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, đạt ngưỡng cao trong mục tiêu 6,6% - 6,8% mà Quốc hội đề ra; tốc độ tăng CPI dưới 4%; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 8 - 10%, cao hơn Quốc hội giao.

Lạc quan hơn nữa là Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) với hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019. Trong kịch bản 1, NCIF dự báo, tăng trưởng GDP đạt 6,9%; lạm phát ở mức 4%. Kịch bản 2 lạc quan hơn, NCIF dự báo tăng trưởng GDP đạt tới 7,1% và lạm phát ở mức 4,5%.

Vận hội mới nên cũng có những yêu cầu mới

Góp ý cho các kịch bản tăng trưởng và khuyến nghị với việc điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành để đạt mục tiêu đề ra, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng Việt Nam đang đứng trước vận hội mới nên cũng có những yêu cầu mới. Trong khi đó, về dài hạn, nền kinh tế vẫn thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng. Nợ công đang ở mức cao và tỷ lệ trả nợ lớn trong những năm tới đây có thể gây tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô. Không chỉ vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang phụ thuộc ngày càng lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và điều này cũng chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Một quan ngại khác cũng được giới chuyên gia chỉ ra, đó là mặc dù môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. “Điều kiện kinh doanh được cắt giảm mạnh trong năm qua nhưng vẫn chỉ đang thể hiện trên các con số trong khi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh phức tạp. Thủ tục có giảm thật nhưng chi phí ngoài luật lại tăng lên”, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng CIEM phát biểu.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nội lực của Việt Nam đã tăng lên, thấy rõ nhất ở khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như trước đây kinh tế tư nhân chỉ tăng về số lượng và được chỉ ra rằng “giàu lên nhờ bất động sản” mà không có sự nổi trội thì nay đã có nổi trội rõ ràng trong các ngành nghề mới như công nghệ, hay đầu tư các công trình lớn như sân bay Vân Đồn… hoặc nếu trước đây, Việt Nam là một bài học thất bại về lĩnh vực phát triển ô tô thì nay, ngành ô tô Việt đã được nhắc tên trên bản đồ ngành ô tô thế giới với những thương hiệu như VinFast, THACO… Nhưng kinh tế tư nhân vẫn đang gặp nhiều rào cản và vẫn chịu cảnh bất bình đẳng.

Các chuyên gia đã chỉ ra những yêu cầu mới và đã đưa ra kiến nghị một số định hướng đổi mới kinh tế (bao gồm cả thể chế kinh tế) và giải pháp chính sách cho công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2019. Tựu trung lại là: Việt Nam vẫn có điều kiện thuận lợi để tiến hành các cải cách mang tính nền tảng hơn đối với thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh. Và thông điệp được nhấn mạnh là: Ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh