Trên 20,2 tỷ USD vốn FDI được "rót" vào Việt Nam
Ngày nhập : 31/07/2019 10:08
 
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), qua 7 tháng đầu năm, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 20,2 tỷ USD.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính riêng trong tháng 7/2019, lượng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 1,75 tỷ USD. Con số này đã đưa lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 tăng lên con số 20,22 tỷ USD. Tuy lượng vốn có giảm so với cùng kỳ, nhưng vốn FDI giải ngân trong 7 tháng đầu năm đạt 10,55 tỷ đồng, tăng 6,63% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, các nhà đầu tư ngoại rót phần lớn số tiền đầu tư vào các dự án góp vốn, mua cổ phần, gần 4.390 dự án, đạt trên 8,5 tỷ USD, tương đương tăng 78% so với cùng kỳ. Trong khi số dự án đăng ký mới và tăng thêm vốn lần lượt là 8,3 tỷ và 3,4 tỷ USD.

Vốn FDI rót nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với tổng cộng 14,46 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 1,47 tỷ USD và thứ ba là bán buôn bán lẻ và sửa chữa ôtô, xe máy đạt 1,09 tỷ USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, sau 7 tháng các dự án FDI đã nhập 82,5 tỷ USD kim ngạch hàng hoá, xuất khẩu (kể cả dầu thô) 101,1 tỷ USD. Như vậy khu vực này xuất siêu hơn 18,6 tỷ USD.

Hong Kong đang là nhà đầu tư lớn nhất trong hoạt động góp vốn, mua bán sáp nhập với hơn 4 tỷ USD vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm. Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng thứ hai với hơn 1 tỷ USD. Tiếp theo là Singapore và Trung Quốc với lần lượt 0,96 tỷ USD và 0,44 tỷ USD.

Như vậy, lũy kế cả vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, hiện Hong Kong đang dẫn đầu đầu tư FDI vào Việt Nam với 5,44 tỷ USD. Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng thứ hai với 3,13 tỷ USD. Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản đứng ở các vị trí tiếp theo với lượng vốn lần lượt là 2,45 tỷ USD, 2,29 tỷ USD và 2,25 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu tính theo số vốn cấp mới, Trung Quốc lại đang dẫn đầu với lượng vốn đầu tư vào Việt Nam đạt gần 1,79 tỷ USD của 364 dự án. Xếp thứ hai là Hàn Quốc với 1,47 tỷ USD của 600 dự án. Đứng vị trí thứ ba là Nhật bản với 1,12 tỷ USD vốn cấp mới của 257 dự án.

Theo nhận định của Cụ Đầu tư nước ngoài, trong thời gia tới, Hiệp định EVIPA thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, tài chính, viễn thông, vận tải, phân phối. Bên cạnh đó, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA chặt chẽ hơn sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về tiếp cận thị trường EU...

(Nguồn: Tạp chí Tài chính)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh