Tín nhiệm quốc gia thăng hạng và động lực từ ngân hàng
Ngày nhập : 16/04/2019 10:27
Mới đây, S&P đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”, đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức “B”. Như vậy, lần đầu tiên sau 9 năm (kể từ tháng 12/2010) giữ nguyên mức xếp hạng “BB-”, S&P đã quyết định thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam.
 

Tín nhiệm quốc gia được thăng hạng

Vào tháng 5/2018, Fitch Ratings cũng thăng hạng tín nhiệm cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”. Ngay sau đó, tháng 8/2018 Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam từ mức “B1” lên “Ba3” với triển vọng thay đổi từ “ổn định” lên “tích cực”.  Sự kiện S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam lần này đã cho thấy những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam được ghi nhận rõ nét trong mắt các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Việc S&P nâng mức xếp hạng tín nhiệm từ “BB”- lên “BB” được giới chuyên môn đánh giá là đã phát đi tín hiệu tích cực về nền kinh tế Việt Nam. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính - ngân hàng, quyết định thăng hạng tín nhiệm của S&P dựa vào nền tảng kinh tế vĩ mô duy trì ổn định trong thời gian qua từ việc kiểm soát lạm phát tốt đến tăng trưởng kinh tế tích cực.

Báo cáo xếp hạng tín nhiệm của S&P cũng ghi nhận và đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam. Những cải thiện nhất quán và mạnh mẽ của nền kinh tế vĩ mô cùng với sự ổn định chính trị tiếp tục là minh chứng cho những cải cách nền tảng thể chế đáng ghi nhận. S&P tin tưởng những kết quả tích cực này sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, hỗ trợ tích cực cho hồ sơ tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Được coi là hàn thử biểu để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm soi chiếu đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia, hoạt động ngân hàng cũng được S&P đánh giá tích cực.

Theo S&P, quy mô dư nợ tín dụng so với GDP là tương đối lớn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, cùng với việc NHNN kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng, tín dụng của hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2018, đồng thời xu thế này nhiều khả năng tiếp tục được duy trì trong những năm tới, góp phần tích cực trong việc củng cố sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

S&P đánh giá cao tầm quan trọng của NHNN Việt Nam trong việc hiệu chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp với chính sách tài khóa và những chính sách kinh tế phát triển khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững. Tổ chức xếp hạng này cũng nhận thấy việc sử dụng các công cụ mang tính thị trường trong thực thi chính sách tiền tệ đã thực sự phát huy hiệu quả duy trì lạm phát ở mức thấp trong những năm gần đây. Do vậy, đánh giá về tính chuyển đổi của đồng VND cũng được S&P nâng hạng từ “BB-” lên “BB”.

“Sự phục hồi khá vững chắc của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là những cải thiện về nền tảng tài chính và quản trị góp phần rất quan trọng vào việc vừa tăng trưởng, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là một trong những yếu tố quyết định góp phần nâng bậc xếp hạng quốc gia của Việt Nam”, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận xét.

Vị này dẫn chứng: nhờ cơ quan điều hành định hướng chính sách đúng đắn nên hoạt động của các TCTD ngày càng nền nếp quy củ. Năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Chất lượng tài sản tốt hơn thể hiện qua việc nợ xấu được các ngân hàng tích cực xử lý trong thời gian qua, đến hết tháng 1/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,96% giảm nhiều so với mức 2,46% so với cuối năm 2016. Khả năng sinh lời cải thiện vượt bậc. Thanh khoản các ngân hàng ổn định vững chắc. Hệ số CAR ngày càng thực chất phản ánh hoạt động ngân hàng an toàn minh bạch hơn thể hiện qua việc các ngân hàng đẩy mạnh thực hiện chuẩn Basel II.

“Với tất cả nỗ lực nói trên, hệ thống ngân hàng đóng vai trò tích cực trong việc thăng hạng tín nhiệm quốc gia”, vị này nhấn mạnh.

Hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế

Việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia được nâng lên, theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam sẽ thu về một số hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng. Về phía Chính phủ có thể tiết giảm chi phí vay vốn từ nước ngoài. Điều dễ nhận thấy nhất là uy tín của quốc gia được tăng thêm chắc chắn tạo động lực cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhất là trong thời gian này, các tổ chức quốc tế đang quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Nhiều ngân hàng đang trong tầm ngắm của các NĐTNN. Đây là điểm lợi cho các ngân hàng cần phải tận dụng tốt.

TS. Cấn Văn Lực chung quan điểm, thời gian tới chi phí huy động vốn, vay vốn từ nước ngoài cho cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp sẽ giảm. Dù mức giảm sẽ không nhiều vì xếp hạng tín nhiệm của quốc gia chỉ nhích lên một chút, nhưng TS. Lực lạc quan đánh giá đây là những thay đổi nền tảng quan trọng mà Việt Nam đã rất nỗ lực để đạt được. Ngoài ra, tại báo cáo đánh giá, S&P nhận định đồng VND được ổn định nhờ vào lạm phát tương đối thấp, cán cân vãng lai được cải thiện là nền tảng giúp Việt Nam tiếp tục ổn định tỷ giá trong thời gian tới.

Tuy khá lạc quan về cải thiện trên, nhưng giới chuyên môn khuyến nghị, xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với các nước trên thế giới. Quy chiếu vào báo cáo của S&P, TS. Hiếu cũng nêu thực tế, mức BB vẫn là nhóm đầu tư tiềm ẩn rủi ro. Khi nào vượt qua được nhóm này thì khả năng kêu gọi đầu tư mới thực sự an toàn bền vững, còn hiện tại các NĐTNN đầu tư vẫn mang tính đầu cơ. Do vậy, thời gian tới Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể thăng hạng tín nhiệm ở mức được khuyến khích đầu tư.

Khó khăn trước mắt tương đối lớn nhưng nếu duy trì được đà phát triển, cũng như phát huy hiệu quả từ những cải cách trong thời gian qua, theo giới chuyên môn, cơ hội để Việt Nam tiếp tục nâng cao vị trí vẫn khá tốt trong thời gian tới. Muốn cải thiện tín nhiệm quốc gia, theo TS. Hiếu, vấn đề nợ xấu cần phải xử lý ráo riết hơn trong thời gian tới. Bởi lẽ nợ xấu ảnh hưởng tới thanh khoản cũng như chất lượng tài sản của các ngân hàng. Vậy nên hãng xếp hạng tín nhiệm rất chú trọng đến tiêu chí này.

TS. Cấn Văn Lực lưu ý thêm một số yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam như đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu TCTD, kể cả NSNN để chính sách tài khoá bền vững hơn, nhất là hệ số an toàn vốn của NHTM cần sớm được tăng cường. Bên cạnh đó, việc tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc ở bên ngoài cũng rất quan trọng thông qua tăng dự trữ ngoại hối...

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh