Số liệu tăng trưởng GDP là đáng tin cậy
Ngày nhập : 01/11/2017 15:37
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trước nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội lo ngại độ tin cậy về con số thống kê trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch năm 2018 chiều ngày 31/10.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phương pháp thống kê là có cơ sở khoa học và khách quan, được thực hiện đúng quy định của pháp luật về thống kê, đã áp dụng nhiều năm nay, được các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế công nhận.
 
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tăng trưởng GDP quý III đạt mức cao (7,46%), là quý có khả năng quyết định hoàn thành nhiệm vụ cả năm. Như vậy, quý IV chúng ta chỉ cần đạt 7,31% là cả năm có thể đạt 6,7%. Theo quy luật, quý IV bao giờ cũng tăng trưởng cao nhất, do vậy chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng được quý IV sẽ đạt kết quả 7,31% để đảm bảo cả năm đạt 6,7%, tôi xin báo cáo để Quốc hội yên tâm.

Trong Báo cáo của Chính phủ đã đề cập các nguyên nhân chính dẫn tới kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế, đó là tổng hợp của nhiều nguyên nhân, cả khách quan, cả chủ quan, cả bối cảnh trong nước và quốc tế và hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân.

“Động lực tăng trưởng cho cả tổng cung và tổng cầu của cả nền kinh tế. Bên cạnh số liệu của 9 tháng đã báo cáo với Quốc hội, nhân đây tôi xin được báo cáo bổ sung thêm số liệu của tháng 10, 10 tháng để thấy rõ tất cả các chỉ tiêu này cũng đều đang được tăng trưởng tích cực trong cả tháng 10 để đại biểu yên tâm” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư, thứ nhất, chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp đạt 8,7%. Cao hơn cùng kỳ đó là 7,3% và 9 tháng đã báo cáo Quốc hội đó là chỉ tăng 7,1%, trong đó ngành chế biến, chế tạo đã tăng cao, ở mức 13,6%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10,5 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Cả năm ước đạt khoảng 13 triệu lượt và đạt hơn 1 triệu khách/năm.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 28,2 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ. Thực hiện ước đạt khoảng 14,2 tỷ, tăng 11,8%, cùng kỳ chúng ta chỉ tăng 8,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10,7%, cùng kỳ chúng ta chỉ tăng 9%. Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt 125,5 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, 9 tháng của chúng ta đã báo cáo tăng 19,8%. Cả năm chúng ta ước sẽ xuất khẩu khoảng 204 tỷ USD, lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ. Cả nước có 105 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 1,02 triệu tỷ đồng, tăng 14,6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký.

Điều đó cho thấy tình hình chung của các chỉ tiêu trong tháng 10 và tổng hợp của cả 10 tháng cũng đều đang diễn biến tích cực và đang tăng trưởng tốt. Nhìn chung kết quả 10 tháng cho thấy tín hiệu khả quan để đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả năm và trong đó quý IV thường là quý tăng trưởng cao nhất và có đóng góp lớn nhất trong tổng GDP của cả năm. Điều này cũng do chu kỳ sản xuất và chu kỳ tăng trưởng, yếu tố mùa vụ.

Thứ hai, về chu kỳ tăng trưởng GDP trong năm. “Trước hết tôi cũng nhất trí với nhận định của đại biểu Hoàng Quang Hàm ở Phú Thọ, đó là về tốc độ tăng trưởng GDP có sự khác biệt, tăng giảm giữa các quý trong một năm”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu lại vấn đề mà đại biểu quan tâm và cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP là một chỉ tiêu về kết quả và chịu sự tác động của yếu tố chu kỳ sản xuất, chu kỳ tăng trưởng và yếu tố mùa vụ của các hoạt động kinh tế.

Theo thông lệ nhiều năm và gần như trở thành một quy luật thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của quý I bị ảnh hưởng do sự trùng hợp vào yếu tố chu kỳ đó là kết thúc Tết Âm lịch, ảnh hưởng bởi Tết, lễ hội, kết thúc của năm ngân sách và nhiều nhiệm vụ phải kết thúc trước khi bước sang một năm mới. Ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, mua sắm, thời tiết. Hiện tượng và tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong năm nhưng quý I năm sau thấp hơn quý IV của năm trước đã được các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như IMF đánh giá và phản ánh đúng chu kỳ, mùa vụ trong tăng trưởng của năm.

Phân tích thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng hợp cho thấy cơ cấu giá trị GDP của một năm cũng có sự khác biệt, bình quân giá trị GDP của quý 1 chiếm 18%, quý 2 chiếm 24%, quý 3 chiếm 26%, quý 4 chiếm 32% tổng giá trị GDP của cả năm và quý 4 thường có một tỷ trọng lớn nhất và có một vai trò quan trọng quyết định tăng trưởng của cả năm.

Về việc tính toán GDP theo quý, đó là nhằm phục vụ công tác điều hành kế hoạch năm và để đánh giá kết quả và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế thì cần phải đánh giá cả năm và trung hạn, dài hạn.

Vấn đề thứ ba, liên quan đến tăng trưởng GDP, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đánh giá về chất lượng tăng trưởng kinh tế, nhìn chung chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2017 đã có nhiều cải thiện và dần được nâng lên, tuy chưa phải ở mức độ cao nhưng cùng với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới thì chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng chất lượng tăng trưởng kinh tế sẽ ngày càng được cải thiện đúng hướng và đạt được ở mức độ cao hơn.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh