Sáng nay (21/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu
Ngày nhập : 21/06/2017 15:14
Theo chương trình làm việc, sáng nay Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc. Trong đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) và Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD)…

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của ủy Ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của TCTD sau phiên thảo luận tại Tổ và Hội trường (Báo cáo giải trình) nêu rõ: Việc ban hành Nghị quyết là có cơ sở pháp lý, bảo đảm tính hợp hiến. Nguyên nhân do việc xử lý nợ xấu thời gian qua gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao do vướng mắc về pháp lý, có những vấn đề pháp luật chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng chưa đủ mạnh để giải quyết nợ xấu. Trong khi Khoản 2 Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nghị quyết được ban hành để thí điểm các chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Về khái niệm nợ xấu (Điều 4), một số ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với khoản nợ xấu trước thời điểm 31/12/2016. Một số ý kiến đề nghị cho phép xử lý các khoản nợ phát sinh trong thời hạn thực hiện của Nghị quyết để bảo đảm đồng bộ trong việc thực hiện chính sách xử lý nợ xấu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội theo 2 phương án thể hiện như trong dự thảo Nghị quyết để xem xét, quyết định.

Về phương thức bán nợ xấu theo giá thị trường (Điều 5), một số ý kiến đề nghị việc bán nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ nên thực hiện theo phương thức đấu giá để bảo đảm công khai minh bạch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý Điều 5 dự thảo Nghị quyết như sau: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ”.

Về thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có tranh chấp (Điều 7), một số ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp thu giữ tài sản bảo đảm, nếu có tranh chấp, liên quan tố tụng thì thực hiện qua Tòa án. Cần làm rõ phạm vi tranh chấp trong dự thảo Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung tại khoản 8 Điều 7 như sau: "Việc thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này chỉ thực hiện đối với tài sản bảo đảm không có tranh chấp, không đang bị kê biên trong vụ án hình sự”. Việc xác định phạm vi tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự.

Liên quan tới ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ để việc thu giữ tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân, quyền nhà ở của công dân; công khai minh bạch thông tin về thu giữ tài sản, kéo dài thời gian thông báo về việc thu giữ, quy định phù hợp về thẩm quyền của UBND và Công an cấp xã. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện đã có tại hợp đồng bảo đảm giữa các bên. Như vậy, việc TCTD thu giữ tài sản bảo đảm là nhà ở của người bảo đảm hoặc người giữ tài sản bảo đảm (chủ nhà) về nguyên tắc đã được người bảo đảm hoặc người giữ tài sản bảo đảm (chủ nhà) đồng ý theo thỏa thuận thu giữ tại hợp đồng bảo đảm đã ký. Do vậy, việc thực hiện các quyền này không xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở theo quy định tại Hiến pháp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 7 theo hướng minh bạch thông tin việc thu giữ, đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Đồng thời, quy định phù hợp hơn về thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Công an, kéo dài thời gian thông báo để người có tài sản bị thu giữ có thêm thời gian sắp xếp việc chuyển giao tài sản bảo đảm và sắp xếp chỗ ở cho những người liên quan nếu thu giữ tài sản bảo đảm là nhà ở.

Về đề nghị quy định TCTD và VAMC cần trực tiếp thu giữ tài sản bảo đảm mà không được ủy quyền hoặc thuê các công ty dịch vụ đòi nợ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, thể hiện theo hướng bên cạnh việc tự thực hiện thu giữ, TCTD chỉ ủy quyền việc thu giữ tài sản bảo đảm cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc TCTD đó; tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho TCTD bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc TCTD bán nợ...

Về thời hạn của Nghị quyết, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm cho quá trình triển khai được hiệu quả, Nghị quyết cần có thời gian đủ dài để các chính sách mới được thực thi trong thực tiễn, do đó đề nghị Quốc hội cho phép thời gian hiệu lực của Nghị quyết là 5 năm như đề nghị của Chính phủ.

Liên quan tới ý kiến cho rằng dự án bất động sản chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được thế chấp, chỉ nên cho phép bán dự án bất động sản đủ điều kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, pháp luật hiện hành cho phép thế chấp, nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Theo quy định tại Điều 148 của Luật Nhà ở năm 2015, VAMC và TCTD được nhận thế chấp dự án bất động sản khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi khách hàng không trả được nợ, về nguyên tắc, VAMC và TCTD được quyền xử lý tài sản bảo đảm đã nhận thế chấp hợp pháp. Việc chuyển nhượng các dự án bất động sản sẽ góp phần mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Do vậy, nếu yêu cầu VAMC,TCTD đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản theo khoản 1 và khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì VAMC và TCTD không thể xử lý, chuyển nhượng nhiều khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản hoặc tài sản hình thành trong tương lai chưa hoàn thành “công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt” hoặc chủ đầu tư chưa có Giấy chứng nhận “quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.

“Việc quy định như dự thảo Nghị quyết là phù hợp và cần thiết để tăng hiệu quả xử lý nợ xấu, góp phần thu hồi tối đa giá trị tài sản bảo đảm, xử lý tình trạng dự án treo, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là người mua nhà tại dự án bất động sản”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định.

Được biết, cuối phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của TCTD, phát biểu giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà đại biểu Quốc hội nêu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết “Nghị quyết không tạo bất cứ lạm quyền hay ưu ái cho TCTD. Ngân hàng Thế giới cũng đã nhiều lần kiến nghị hệ thống pháp luật của Việt Nam nên tăng quyền hơn nữa cho bên cho vay. Bởi vậy bên cạnh quy định quyền hợp pháp chính đáng người đi vay, thì quyền hợp pháp chính đáng của bên cho vay cũng cần phải được pháp luật  ghi nhận và bảo vệ”.

Liên quan đến mục tiêu của Nghị quyết về xử lý nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, việc XLNX sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các TCTD qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của DN và của nền kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Thống đốc lê Minh Hưng cũng cho biết, do nợ xấu luôn tiềm ẩn phát sinh hàng ngày, song hành với hoạt động của các TCTD. Mặc dù các TCTD đã áp dụng đồng bộ các biện pháp hạn chế nợ xấu, song tính trung bình nợ xấu mới phát sinh hàng năm là khoảng 1,3-1,5% trên tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, chủ yếu do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. “Như vậy nếu chỉ giới hạn xử lý nợ xấu ghi nhận đến 31/12/2016 thì số nợ xấu mới phát sinh khi Nghị quyết có hiệu lực sẽ tiếp tục vướng mắc trong cơ chế”, Thống đốc chia sẻ.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh