Quốc hội đánh giá cao công tác điều hành ngân sách nhà nước
Ngày nhập : 03/11/2017 14:56
Trưa ngày 2/11/2017, kết thúc 2,5 ngày thảo luận sôi nổi về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, Quốc hội đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát tiển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác điều hành ngân sách nhà nước.
 
 
Quốc hội đã ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về điều hành ngân sách nhà nước.

Từ ngày 31/10-2/11/2017, Quốc hội đã tập trung thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2018 -2020.

Theo đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 2017 là tích cực, có nhiều chuyển biến, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước. Chi ngân sách nhà nước năm 2017 cũng đã bám sát nghị quyết Quốc hội, cơ bản đảm bảo nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

Tại các phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội đồng tình với những giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về các vấn đề liên quan đến điều hành tài chính – ngân sách, thống nhất với dự toán thu chi và bội chi ngân sách nhà nước năm 2018. Các đại biểu cho rằng, các chỉ tiêu về thu ngân sách nhà nước là phù hợp và đảm bảo mục tiêu của giai đoạn 5 năm. Đối với chỉ tiêu chi ngân sách nhà nước, đại biểu tán thành chỉ tiêu tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 64,1%. Các đại biểu cũng nhận định, chỉ khi tinh giản bộ máy hành chính, đẩy mạnh tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập thì mới có thể giảm chi thường xuyên theo kế hoạch tài chính 5 năm.

Theo đó, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhấn mạnh và đồng thuận với quan điểm điều hành của Bộ Tài chính trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về tài chính, ngân sách nhà nước năm 2018 và 3 năm 2018-2020 là tăng cường kỷ luật tài chính, ngân sách ở tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị; Xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách; Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; Tăng cường quản lý, sử dụng, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực ngân sách nhà nước gắn với huy động tối đa các nguồn lực nước ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, rà soát lại chính sách thu cho hợp lý, đảm bảo bình đẳng, tính trung lập của chính sách thuế; Cơ cấu lại các khoản thu ngân sách nhà nước, bảo đảm ổn định thuế suất; Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thu ngân sách nhà nước; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu. Cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm chi thường xuyên, tập trung nguồn để bố trí tăng chi đầu tư, phát triển, tăng chi trả nợ trực tiếp; Bảo đảm chi ngân sách nhà nước cho một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, chính sách cho người có công; Tăng kinh phí cho việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; Tăng chi cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển rừng.

Quốc hội đề nghị Chính phủ có biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi, tăng cường quản lý nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bảo đảm an toàn nợ công; Phân bổ ngân sách cần tập trung cho các trọng điểm kinh tế để tạo động lực phát triển; Đề nghị bố trí thêm cho các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ còn nhiều khó khăn…

Phát biểu kết thúc 2,5 ngày thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: “Quốc hội tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, chúng ta sẽ hoàn thành thắng lợi các kế hoạch về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018.”

(Theo Tạp Chí Tài Chính)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh