NÂNG CẤP TRONG QUẢN TRỊ RỦI RO
Ngày nhập : 19/06/2017 11:26

Phải coi rủi ro môi trường - xã hội như một loại rủi ro tín dụng, và NH buộc phải có sự nhận thức đúng đắn và đầy đủ trong việc đánh giá rủi ro về mặt này.


Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác Đức - Việt (GIZ), Việt Nam là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,5% (giai đoạn 2001-2005), sau đó giảm xuống còn 5,9% (2011-2015) thể hiện một mô hình phát triển theo chiều rộng và không bền vững.


Hơn nữa, tăng trưởng ở Việt Nam chủ yếu dựa trên mô hình phát thải carbon cao, tạo nhiều áp lực cho môi trường. Không nằm ngoài mục đích gia tăng hiệu quả trong việc cấp tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho phát triển kinh tế, theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, từ ngày 15/3/2017 hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng được thực hiện theo thoả thuận giữa TCTD và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường.


Trong một nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách và chiến lược quan trọng. Trong đó có Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu (2011), Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh (2012), Chiến lược Phát triển bền vững (2013) và Kế hoạch Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2013 - 2020. Trong các chiến lược này mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam được đặt ở mức 6,5-7% giai đoạn 2016 - 2020.


Cũng theo GIZ, để tài trợ cho Chiến lược Tăng trưởng Xanh, Việt Nam cần ít nhất 30,7 tỷ USD đến năm 2020, tức là 15% GDP của Việt Nam năm 2015 và 21,2 tỷ USD cho giai đoạn 2021 - 2030 để tài trợ cho Đóng góp Dự kiến do Quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam. Điều này là một thách thức đối với nền kinh tế và hệ thống tài chính của Việt Nam. Như vậy, có thể thấy việc đưa đánh giá rủi ro về môi trường xã hội là việc làm cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay.


Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động NH, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH (NHNN) thì với mỗi NH, việc thiết lập chính sách quản lý rủi ro là vô cùng quan trọng. Trong đó phải xác định được khẩu vị rủi ro. Cũng theo ông Kiên, chiến lược rủi ro không phải là tuyên ngôn mà là những hạn mức, những tiêu chí tương ứng để đảm bảo được khẩu vị rủi ro.


Qua trao đổi, các chuyên gia đều đồng tình rằng, phải coi rủi ro môi trường - xã hội như một loại rủi ro tín dụng, và NH buộc phải có sự nhận thức đúng đắn và đầy đủ trong việc đánh giá rủi ro về mặt này.


Cùng chung quan điểm, TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, việc đánh giá rủi ro môi trường - xã hội của người vay sẽ nhằm giảm thiểu rủi ro về môi trường - xã hội, tài chính và danh tiếng. Bà Mai cũng đưa ra đề xuất trong chương trình chia sẻ rủi ro bằng việc thiết lập sàn chia sẻ rủi ro với các tổ chức tài chính địa phương, như Chương trình tiếp cận năng lượng xanh DB Universal.


Nhận thức được tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro môi trường - xã hội, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, NHNN đang nghiên cứu và hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá các rủi ro môi trường - xã hội cho 10 ngành kinh tế có rủi ro môi trường - xã hội cao nhất như nông nghiệp, hoá chất, năng lượng, da và sản phẩm dệt may, dầu khí...


Để góp phần quản trị rủi ro môi trường hiệu quả, đối với các NHTM, vị này nhận thấy các chính sách tín dụng phải thiết kế phù hợp với đặc điểm và giải quyết được các rào cản của từng ngành/lĩnh vực cụ thể. Đơn cử như với các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo quy mô lớn và tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp cần có giải pháp tài trợ vốn với thời hạn dài (có thể lên đến 20 năm). Đồng thời xem xét áp dụng ân hạn trả nợ lãi trong khoảng thời gian đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo hoặc trong 1-2 năm đầu của các dự án tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp. Thêm nữa, cũng cần có biện pháp hỗ trợ lãi suất hoặc giúp tiếp cận nguồn vốn dài hạn giá rẻ từ các tổ chức quốc tế để khuyến khích các TCTD cho vay với lãi suất ưu đãi.


Bên cạnh đó, theo chia sẻ của một chuyên gia kinh tế, các yêu cầu, tiêu chuẩn, kỹ thuật ngành đối với các ngành/lĩnh vực cần phải được rà soát và quy định cụ thể, rõ ràng làm cơ sở để các TCTD cho vay và kiểm tra, đánh giá hiệu quả của dự án, phương án. Và tự bản thân của mỗi TCTD phải xây dựng được năng lực đánh giá rủi ro tài chính của các dự án tín dụng này, vì quản trị rủi ro là tổng thể, chứ không phải riêng lẻ cho bất cứ một rủi ro nào.


Ở một khía cạnh khác, lãnh đạo một NHTM nhận thấy khi bắt tay vào triển khai các dự án tín dụng, đặc biệt là tín dụng xanh, NH bắt buộc phải có sự tìm hiểu tường tận. Trong giai đoạn đầu tiên, chỉ nên tiếp cận một số nhóm, lĩnh vực phù hợp với điều kiện của đơn vị, sau đó mới tính tới chuyện mở rộng ra các lĩnh vực xanh khác và đặt ra tiêu chuẩn xanh cao hơn, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. Như vậy, “cùng với việc lựa chọn dự án, chúng ta có thể khoanh vùng và xác định được rủi ro để có điều kiện quản trị và dự phòng phù hợp”, CEO này cho hay.


(Theo Thoibaonganhang.vn)

 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh