Kinh tế-xã hội chuyển biến rất tích cực trên tất cả các lĩnh vựcKinh tế-xã hội chuyển biến rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực
Ngày nhập : 06/11/2017 16:09
Chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017.

8 điểm sáng nổi bật

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra khi Quốc hội đang họp kỳ thứ 4 và vừa dành hai ngày rưỡi để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Trong 10 tháng qua, có thể rút ra 8 điểm nổi bật.

Thứ nhất là, kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2017 chỉ tăng nhẹ 0,41% so với tháng trước; CPI bình quân so với cùng kỳ năm trước tiếp tục xu hướng giảm, tính chung 10 tháng đầu năm chỉ tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội (dưới 4%).

Thứ hai, khai khoáng tăng trưởng trở lại giúp chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng tăng 8,7% so với cùng kỳ (9 tháng năm 2017 tăng 7,6%). Cụ thể, tháng 10 khai khoáng tăng 2,1% sau khi giảm 6% trong tháng 9; nhờ đó 10 tháng khai khoáng chỉ còn giảm 7,4% (9 tháng năm 2017 giảm 8,1%). Trong khi ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2% (cao hơn mức tăng 7,3% cùng kỳ năm 2016).

Thứ ba, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt kỷ lục mới. Tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần đạt trên 28,2 tỷ USD, tăng 37,4%; vốn thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%.

Thứ tư, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,69% so với tháng 12 năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 11,81%). Chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm, chỉ số VN-Index vượt mốc 840 điểm và được dự báo hướng tới mốc 900 điểm.

Thứ năm, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7%, gần gấp 3 lần mức tăng cùng kỳ 2016 (tăng 7,2%). Xuất siêu đạt 1,23 tỷ USD.

Thứ sáu, có trên 105.000 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt trên 1 triệu tỷ đồng (nếu tính cả doanh nghiệp tăng vốn bổ sung đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng).

Thứ bảy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 10,7% (cùng kỳ tăng 9,3%).

Thứ tám, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 10,4 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt, trực tiếp chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) vừa được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 31/10, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc từ 82 lên 68 (năm ngoái, Việt Nam tăng 9 bậc). Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam và Indonesia là hai nước có nhiều cải cách nhất trên thế giới trong 15 năm qua, mỗi nước có 39 cải cách.

Một tin rất đáng mừng khác là mới đây, tổ chức xếp hạng Moody’s cũng nâng đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực.

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Có người hỏi vì sao mà giải ngân đầu tư công chậm như vậy mà tăng trưởng GDP cao. Chúng ta trả lời đầu tư công chậm nhưng đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh, góp phần đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Nhiều công trình, dự án rất lớn, quan trọng là thông qua nguồn vốn xã hội”.

Không được chủ quan

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại và khó khăn thách thức. Đó là giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới chỉ đạt 72,5% kế hoạch năm (cùng kỳ đạt 78,6%). Trong khi sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn khi mà doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 4,1%; giải thể tăng 5,4%.

Trong tháng 10, tình hình mua lũ, và sạt lở đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho nhiều địa phương trong cả nước…

Tuy nhiên, nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm là tích cực, tạo cơ sở vững chắc phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2017 cũng như sẽ tạo đà thuận lợi hơn để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của năm 2018.

Mặc dù vậy, Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tập trung chỉ đạo sâu sát và chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính.

Về tiền tệ - tín dụng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục theo dõi điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và kiểm soát tốt lạm phát, không để tỷ giá ngoại hối tăng mạnh vào dịp cuối năm. Đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm lãi suất cho vay.

Về giải ngân đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017. Kiên quyết cắt giảm các công trình giải ngân chậm để bố trí cho các công trình quan trọng, cấp bách khác.

Đặc biệt, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tại phiên họp này, Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tiếp tục đưa ra các giải pháp cắt giảm các loại phí, chi phí cho doanh nghiệp.
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh