Kinh tế năm 2020: Cần những quyết sách cụ thể
Ngày nhập : 10/12/2019 14:25
Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Nghị quyết 01/2020 với những chỉ tiêu cụ thể cho bộ ngành thực hiện, song chỉ bao gồm các chỉ tiêu quan trọng. Đặc biệt cần chỉ ra những thách thức lớn, trong đó nhiều ngành, lĩnh vực khó khăn, dễ có nguy cơ dẫn đến đà tăng trưởng chậm mà chúng ta phải lường hết để có giải pháp như điện tử, ô tô, xe máy, nông sản xuất khẩu…
 
 
Tìm giải pháp mới, đột phá, sáng tạo

Tạm yên tâm với các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019, đây là thời điểm để hoạch định các chính sách cho năm “nước rút” 2020, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020.

Mặc dù vậy, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Chính phủ vẫn chỉ đạo phải điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực theo đúng kế hoạch nhằm hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó tập trung vào các vấn đề nổi cộm hiện nay, như phải có biện pháp kịp thời để bình ổn giá thịt lợn trong dịp cuối năm, tập trung ngăn chặn sự lây lan, phát tán, tiến tới khống chế dịch tả lợn châu Phi; quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài để gỡ thẻ vàng EU đối với thuỷ sản Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm, nhất là các dự án ngành điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt; đẩy nhanh công tác chuẩn bị để sớm triển khai các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải…

Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Nghị quyết 01/2020 với những chỉ tiêu cụ thể cho bộ ngành thực hiện, song chỉ bao gồm các chỉ tiêu quan trọng. Đặc biệt cần chỉ ra những thách thức lớn, trong đó nhiều ngành, lĩnh vực khó khăn, dễ có nguy cơ dẫn đến đà tăng trưởng chậm mà chúng ta phải lường hết để có giải pháp như điện tử, ô tô, xe máy, nông sản xuất khẩu…

Với tinh thần đó, Nghị quyết cần đưa ra các giải pháp mới, đột phá, sáng tạo với yêu cầu phấn đấu, nỗ lực cao. Tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ hơn, tìm dư địa mới cho tăng trưởng.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá, đà tăng trưởng của năm 2019 là tốt. Vì vậy Nghị quyết 01 phải có các chính sách để kéo được hiệu ứng tích cực của năm 2019 sang 2020. Điều đáng mừng của năm 2019 là chúng ta không phải bội chi ngân sách. Dự kiến, đến hết 11 tháng số thu ngân sách đã vượt số chi hơn 88.000 tỷ đồng. Nhờ đó ngân sách có nguồn chi ngay từ những ngày đầu năm của 2020. Điểm thuận lợi thứ 2 là vốn đầu tư từ ngân sách từ tháng 10 đã vươn lên đạt và tháng 11 vượt lên so với cùng kỳ năm 2018. Nếu Chính phủ giữ được tốc độ này thì giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách hứa hẹn sẽ tăng khá trong thời gian tới.

Nhiều áp lực trong năm “nước rút”

Đánh giá về triển vọng kinh tế trong năm 2020, TS. Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ vẫn sẽ tiếp tục là hai khu vực dẫn dắt tăng trưởng chung.

Tuy nhiên điều đáng lo là mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét; tăng trưởng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn, đóng góp của nhân tố vốn trong tăng trưởng vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi đó, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch quá nhanh sang khu vực dịch vụ trong khi nền tảng công nghiệp còn yếu; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, tính chất gia công còn lớn; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistics còn cao.

Bên cạnh đó, điểm đáng lo ngại trong tăng trưởng dài hạn là giai đoạn vừa qua hầu như không có công trình đầu tư quy mô lớn, tạo nền tảng cho giai đoạn tới. Đây sẽ là những điểm nghẽn cần tiếp tục tháo gỡ trong năm 2020 để làm tiền đề cho giai đoạn 2021-2025.

TS. Nguyễn Đức Kiên cũng lưu ý, cần chú trọng tới các chính sách liên kết giữa DN FDI và DN trong nước. Bởi nếu có chính sách tốt để liên kết DN trong nước với DN FDI thì sẽ đạt được hai mục đích là vực được DN trong nước lên, từ đó đẩy nhanh được ngành công nghiệp hỗ trợ; và tạo điều kiện cho DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu…

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh