Kinh tế Việt Nam vẫn khả quan
Ngày nhập : 27/09/2017 15:47
FDI đổ vào mạnh cùng tín dụng thuận lợi hơn đã tạo thêm xung lực cho tăng trưởng kinh tế. 

Hai động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn mạnh mẽ

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt kết quả khả quan bất chấp một số yếu tố bất lợi, với sự đàn hồi tốt, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng trước các cú sốc ngoài dự kiến và phục hồi tốt. Đây là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADOU) 2017.

“Mặc dù có sụt giảm của ngành khai khoáng và dầu thô nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn khả quan bởi 2 động lực là sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục phục hồi mạnh và tiêu dùng nội địa tăng, du khách đến Việt Nam nhiều hơn”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định.

Báo cáo nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm nhờ sự gia tăng hơn nữa vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng trong nước, sự hồi phục mạnh mẽ hơn của nông nghiệp sau đợt hạn hán năm 2016, và việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn chi tiêu đầu tư cơ bản cho các chương trình cơ sở hạ tầng quốc gia.

Xuất khẩu tăng khá mạnh do cầu tốt từ các thị trường xuất khẩu chính. Dịch vụ tăng trưởng khá do tiêu dùng trong nước vẫn tăng nhờ hoạt động tài chính tăng,  khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn và dự báo tiếp tục tăng lên. Khu vực nông nghiệp cũng đã có sự phục hồi mạnh và dự kiến đạt khoảng 3% cho cả năm 2017 và tăng trưởng ổn định trong 18 tháng tiếp theo.

ADB cũng chỉ ra triển vọng sáng sủa trong giai đoạn tới đó là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào mạnh mẽ sẽ tạo thêm xung lực cho tăng trưởng kinh tế, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng và tình hình tín dụng thuận lợi hơn trong thời gian gần đây. Giải ngân vốn FDI vẫn tiếp tục đạt mức cao kỷ lục cùng với số vốn cam kết được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018. Lĩnh vực xây dựng vẫn mạnh. FDI và đầu tư trong nước gia tăng sẽ thúc đẩy lĩnh vực xây dựng tăng mạnh trong năm 2017-2018. Sản lượng khai thác khoáng sản được dự báo sẽ khôi phục nhẹ. Dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài  cũng tăng và thị trường tài chính trong nước mạnh lên đã tiếp sức cho thị trường chứng khoán…

Giảm mạnh chi thường xuyên, thận trọng với tín dụng

“Mặc dù nền kinh tế Việt Nam vận hành tương đối tốt trong bối cảnh có nhiều thách thức, song vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững”, theo ông Eric Sidgwick. Đó là cân đối ngân sách và thận trọng với việc nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất ngân hàng.

Báo cáo của ADB cũng chỉ ra những tiến bộ trong việc giảm chi tiêu của Chính phủ, nhưng ông Eric cho rằng “những kết quả này là do Chính phủ kiểm soát chặt chi đầu tư, còn chi thường xuyên vẫn tăng. Phải giải quyết chi thường xuyên để giảm mức bội chi mới có thể đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn”.

Theo ADB, mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3,5% GDP trong năm 2017 và 4,0% trong năm 2018 của Chính phủ nhìn chung là khả thi nhưng còn phụ thuộc vào những nỗ lực đốc thúc và việc kiểm soát chặt chẽ hơn chi thường xuyên. 

Cùng một cảnh báo, ông Aaron Batten – Chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB tại Việt Nam bổ sung thêm thách thức chính sách đang nổi lên: “Rủi ro trong nước chính là khả năng chính phủ quyết kích thích tăng trưởng bằng nới lỏng quá mức chính sách tiền tệ và tài khoá”. Nợ công hiện nay đã chạm trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, kỷ luật ngân sách yếu đi sẽ đe dọa quá trình củng cố tài khoá và bền vững nợ. Tương tự, bất kỳ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nào cũng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề nợ xấu.

Ông Eric Sidgwick cũng nhấn mạnh rằng, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% và chỉ đạo hạ lãi suất, hành động này dù hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh trong nước nhưng lại tác động bất lợi đến lạm phát và gây rủi ro cho khu vực tài chính. Lạm phát trung bình tuy vẫn tương đối thấp ở mức 3,8% nhưng đã tăng trong 8 tháng đầu năm 2017 và  lạm phát cơ bản đã tăng mạnh đến 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

ADB dự báo lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng tăng lại nếu được tiếp nhiệt bởi động thái giảm lãi suất, cầu trong nước mạnh và tăng trưởng GDP tốt. Trong cả năm 2017, lạm phát trung bình dự kiến đạt 4,5%, tiếp tục tăng lên 5,5% trong năm 2018, đều cao hơn một điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 4.

Đừng quá vì tăng trưởng mà tạo ra đầu cơ

Là tác giả chính của phần báo cáo về Việt Nam, ông Aaron Batten nhấn mạnh cảnh báo về rủi ro nếu Chính phủ cứ thúc tăng trưởng tín dụng và giảm lãi suất. Thúc tín dụng và giảm lãi suất không chỉ gây áp lực lên lạm phát mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng tài sản của khu vực tài chính và bong bóng tài sản. “Ngân hàng Nhà nước cũng nhận thức được rất rõ ràng điều này và đã có biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để có thể kiểm soát được tình hình. Ví dụ như việc xếp hạng rủi ro của các ngân hàng, đã nghiêm ngặt hơn trong khống chế trần cho vay cho mỗi lĩnh vực. Các quy định của Ngân hàng Nhà nước đã thật sự chặt chẽ hơn”, ông phát biểu. Nhưng ông cũng tỏ ý lo ngại tiền sẽ đổ vào những bong bóng tài sản dưới nhiều cách gây rủi ro cho nền kinh tế.

Chia sẻ với áp lực của Chính phủ Việt Nam trước mục tiêu tăng trưởng GDP trong bối cảnh vẫn cần đầu tư và nợ công cao nhưng chuyên gia ADB nhấn mạnh: Trong một số trường hợp nên chấp nhận tăng trưởng thấp hơn để có tăng trưởng bền vững hơn là tăng trưởng cao trong ngắn hạn để rồi lại sụt giảm tăng trưởng.

“Bơm tín dụng để kích thích tăng trưởng nhưng không nên nhìn ở tăng trưởng ngắn hạn mà phải nhìn dài hạn hơn để có tăng trưởng bền vững. Đừng vì quá theo mục tiêu tăng trưởng mà tạo ra đầu cơ. Vậy hãy thận trọng với việc đẩy tăng trưởng tín dụng”, theo ông Aaron.

Bên cạnh đó, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đã phụ thuộc nhiều vào các nguồn vốn từ nước ngoài như FDI, ODA, một phần vốn đầu tư có từ nguồn kiều hối… Việt Nam đã nỗ lực chuyển đổi để tăng trưởng hướng sang dựa vào tiêu dùng nội địa và các hoạt động kinh tế trong nước nhiều hơn. Nhưng “Sự chuyển đổi như vậy sẽ không diễn ra nhanh trong một sớm một chiều. Việt Nam mới mở cửa để đón nhận nguồn vốn FDI đổ vào ồ ạt trong chục năm gần đây. Cho nên, điều đó sẽ diễn ra trong vài thập niên trước khi sự lệ thuộc này giảm xuống. Tôi nghĩ Việt Nam đang ở giữa chu kỳ này nên phải dần dần và cũng phải một thập kỷ nữa mới giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn vốn từ nước ngoài”, ông Aaron Batten nói.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh