Kinh tế 2019: Thận trọng các giải pháp để đạt mục tiêu
Ngày nhập : 22/05/2019 16:12
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) và nhiều đại biểu cho biết, với những kết quả đạt được của năm 2018 cũng như tiền đề của quý I/2019, có lẽ việc đạt mục tiêu phát triển KT-XH đã đặt ra trong năm 2019 cũng không có quá nhiều vấn đề cần lo nghĩ.
 
 
Tín dụng được sử dụng hiệu quả và được phân bổ phù hợp hơn

Điểm lại một số kết quả nổi bật đã đạt được, đại biểu Hoàng Văn Cường rất tâm đắc khi năm 2018 chúng ta đạt kết quả toàn diện, hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong đó, có 3 chỉ tiêu đạt và 9 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 1 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội là chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 7,08%.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước đã báo cáo Quốc hội, như: tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 13,2% (số đã báo cáo Quốc hội là tăng 11,2%); Xuất siêu 2,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (số đã báo cáo Quốc hội là xuất siêu 0,4%). Trong khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân là 3,54% (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%)…

Đặc biệt các đại biểu đánh giá cao những kết quả điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2018, trong đó tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng cơ bản diễn biến sát với định hướng đề ra. Từ năm 2016, tăng trưởng tín dụng giảm dần nhưng tăng trưởng kinh tế được cải thiện vững chắc cho thấy tín dụng được sử dụng hiệu quả và được phân bổ phù hợp hơn.

Cơ cấu tín dụng đã tập trung vào lĩnh vực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có tốc độ tăng trưởng khá; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro có xu hướng chậm lại. Đặc biệt mặt bằng lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định trong điều kiện lãi suất trên thế giới gia tăng và nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá mạnh so với đồng USD.

Các đại biểu cũng đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Theo đó, công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện, trọng tâm vào thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, kiểm soát, xử lý và duy trì nợ xấu ở mức dưới 3%; tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD xử lý được một bước; tập trung xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém theo nguyên tắc thị trường.

Tiếp tục nỗ lực để đạt mục tiêu

Về tình hình kinh tế năm 2019, Báo cáo của Chính phủ cho biết, kết quả thực hiện 4 tháng đầu năm, nhìn chung vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018. Tốc độ tăng GDP đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực.

Trong đó, thị trường tiền tệ vẫn nổi lên như một điểm sáng hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế đạt được các mục tiêu đề ra. Các chỉ số tài chính, tiền tệ, lãi suất nhìn chung ổn định; thị trường ngoại hối diễn biến tích cực, cung cầu ngoại tệ trong nước thuận lợi, thanh khoản tốt, hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng và NHNN tiếp tục mua ròng ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối.

Tính đến ngày 17/4/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,29% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tăng 4,73%), huy động vốn tăng 2,69% (cùng kỳ tăng 3,69%); tín dụng đối với nền kinh tế tăng 3,23% (cùng kỳ tăng 3,74%); mặt bằng lãi suất duy trì ổn định…

Cùng với đó, thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường trong nước nhìn chung ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm dần.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới, nhất là thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, có khả năng ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh những tháng tiếp theo và khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019, đòi hỏi được nghiên cứu, đánh giá thận trọng để chuẩn bị các phương án và giải pháp phù hợp để đạt được mục tiêu đề ra.

Đồng quan điểm này, nhưng đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, khả năng hoàn thành kế hoạch năm là rất rõ, có cơ sở. Vì tất cả các lĩnh vực của chúng ta hiện nay đều có sự tăng trưởng, nhất là nông, lâm ngư nghiệp, xuất nhập khẩu… Bên cạnh đó thu hút vốn FDI ngày càng lớn, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng có những tác động tích cực đối với xuất khẩu và thu hút FDI của Việt Nam…

Cũng có chung quan điểm như vậy, song đại biểu Hoàng Văn Cường cũng băn khoăn về động lực tăng trưởng trong dài hạn. Theo ông, chúng ta phải tạo ra bứt phá thế nào để không chỉ đạt mục tiêu của năm 2019 mà còn phải đạt mục tiêu của cả 5 năm (2016-2020) cũng như không dừng lại ở con số về lượng tăng trưởng mà còn phải thay đổi về chất tăng trưởng và tạo ra sự tăng trưởng “bứt phá” cho mục tiêu đến năm 2030 như Chính phủ đặt ra.

Với tinh thần đó, ông Cường cho rằng, vấn đề mấu chốt, trọng tâm chính là ở chỗ cải cách TTHC để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển DN tư nhân.

“Đặt mục tiêu trọng tâm hơn, tập trung vào cải cách TTHC nhưng có lẽ Chính phủ phải nghĩ đến phương án khác hơn, không đơn thuần cắt giảm các TTHC, mà phải thay đổi cách thức đánh giá về cải cách TTHC. Khi đó sẽ buộc mỗi một cơ quan, bộ, ngành phải tự mình thay đổi TTHC, chứ không phải là từ đòi hỏi của Chính phủ phải cắt giảm bao nhiêu phần trăm”, ông Cường đặt vấn đề.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh