Không chủ quan với những kết quả tích cực đã đạt được
Ngày nhập : 04/12/2017 14:59
Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến tích cực phù hợp với định hướng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Điều hành phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức ngày 1/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017, tập trung thảo luận về ba nhóm vấn đề lớn. Một là tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng; hai là phương hướng, nhiệm vụ, các trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2018, cụ thể là xây dựng Nghị quyết 01 năm 2018; và ba là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 cùng một số nội dung hoàn thiện, xây dựng thể chế.
 
 
Tháng 11 và 11 tháng năm 2017, nền kinh tế đã ghi nhận nhiều lĩnh vực lập kỷ lục

Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: nền kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực hơn, khẳng định những kết quả toàn diện trên các mặt mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, sản xuất công nghiệp có bước tăng trưởng rất cao. Tháng 11 và 11 tháng đầu năm đã ghi nhận nhiều lĩnh vực lập kỷ lục như kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư nước ngoài, số DN thành lập mới, lượng khách quốc tế đến Việt Nam…

Về thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến tích cực phù hợp với định hướng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm. Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, lãi suất cho vay giảm dần nhờ việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định. Dự trữ ngoại hối nhà nước tăng.

Cũng trong tháng 11 vừa qua, Chính phủ đã hoàn thành nhiều công việc quan trọng. Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Chính phủ và một số thành viên Chính phủ đã trực tiếp giải trình, trả lời chất vấn rất minh bạch, thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động. Bên cạnh đó, chúng ta đã tổ chức thành công sự kiện đối ngoại rất lớn là Năm APEC 2017, nhất là Tuần lễ Cấp cao APEC – sự kiện đối ngoại đa phương lớn nhất của cả nhiệm kỳ này.

Về nhiệm vụ thời gian tới, trong tháng cuối năm gắn với dịp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịch vụ tăng cao, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng được đẩy mạnh, Chính phủ yêu cầu cần tận dụng cơ hội này cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Các vấn đề này đã được Chính phủ nhận diện và tập trung chỉ đạo điều hành theo tinh thần không được chủ quan, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả tốt hơn, toàn diện hơn so với số liệu ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội. Đồng thời không để biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết trên các lĩnh vực tiền tệ, thị trường hàng hóa, giá cả…

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vấn đề lớn thứ hai được thảo luận tại phiên họp Chính phủ là phương hướng, nhiệm vụ, các trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2018, cụ thể là xây dựng Nghị quyết 01 năm 2018.Đây là văn bản chủ đạo, quan trọng nhất trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính nhà nước trong năm 2018.

Theo đó, Chính phủ đã xác định thực hiện nhất quán 3 trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2018. Cụ thể, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển DN, thúc đẩy tăng trưởng. Hai là, quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Ba là, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm...

Giải đáp câu hỏi của báo chí về kế hoạch cải cách bộ máy hành chính và tinh giản biên chế, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, thời gian qua có nhiều cơ quan quản lý biên chế như Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, riêng Chính phủ chịu trách nhiệm giao biên chế từ Trung ương đến địa phương trong các cơ quan quản lý nhà nước. Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế. Kết quả, trong hai năm 2016-2017, riêng Chính phủ đã tiết giảm được 2,9% biên chế so với năm 2015. Việc thực hiện Nghị quyết 39 đã giảm được trên 32.000 người.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cũng cho biết thêm, sắp tới khi thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19, đặc biệt là những vấn đề cần làm ngay như sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong, sắp xếp tổ chức ở xã, tổ dân phố thì khả năng kết quả đạt được theo mục tiêu trong nghị quyết sẽ là rất cao. Tuy nhiên để đạt được kết quả cao nhất, rất cần sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị.

Liên quan đến quyết định tăng giá điện thêm 6,08% kể từ ngày 1/12, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, tất cả sự biến động và ảnh hưởng của việc tăng giá đã được tính toán kỹ lưỡng từ các cấp của Chính phủ cho đến các cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, từ tháng 3/2015 đến nay, tức là đã qua 2 năm 9 tháng, giá điện không có sự điều chỉnh, trong khi giá cả các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất điện đã tăng rất nhiều, đặc biệt là than cho nhiệt điện. Bên cạnh đó, ngành điện đã có sự nỗ lực cố gắng nhất định. Theo đánh giá của WB về chỉ số tiếp cận điện năng, Việt Nam đã từ vị trí 96 năm 2016, tăng 32 bậc lên thứ 64 trong năm 2017. Cuối cùng, tính công khai, minh bạch trong cơ cấu giá thành để làm căn cứ điều chỉnh giá điện đã được đảm bảo.

Theo đó, Chính phủ đã thành lập tổ công tác, ngoài các bộ ngành có liên quan, còn có sự tham gia của các hội, hiệp hội ngành nghề, bảo vệ người tiêu dùng… đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của EVN, tính toán các yếu tố cấu thành giá để xác định mức tăng và phương án tăng giá phù hợp.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh