Hội đồng Thống đốc Quỹ Á - Âu (ASEF) tổ chức kỳ họp lần thứ 37
Ngày nhập : 30/11/2017 14:55
Tại TP. Đà Nẵng, Hội đồng Thống đốc Quỹ Á - Âu (ASEF) đang tổ chức kỳ họp lần thứ 37. Kỳ họp được tổ chức trên cơ sở quyết định của các Thống đốc ASEF tại Cuộc họp Hội đồng Thống đốc ASEF lần thứ 36 (Singapore 2016)…

Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Diễn đàn hợp tác Á - Âu (Asia - Europe Meeting, ASEM) đã trở thành cơ chế đối thoại quan trọng, hợp tác lớn nhất giữa hai châu lục, hội tụ 53 thành viên, trong đó có 4 thành viên là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc và 12 thành viên thuộc G20, đại diện gần 68% dân số thế giới, đóng góp khoảng 55% GDP và gần 60% thương mại toàn cầu.
 
 
Hợp tác ASEM tiếp tục được thúc đẩy đồng đều trên cả ba trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác. Đối thoại và hợp tác ASEM đang dần đi vào thực chất hơn, mở rộng các nội hàm hợp tác sang các vấn đề mới mang tính đa ngành, gắn kết với các nội hàm phát triển bền vững, ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực, nước, năng lượng, kết nối, kinh tế xanh...

Trong khi đó, ASEF được thành lập năm 1997 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ nhất. ASEF là cơ chế duy nhất của ASEM, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, văn hóa, giáo dục giữa hai châu lục. Do hiện nay ASEM là diễn đàn đối thoại và phối hợp chính sách duy nhất giữa hai châu lục Á - Âu và chưa có bộ máy thường trực nên vai trò ASEF ngày càng tăng.

ASEF phụ trách công tác quảng bá, tuyên truyền của ASEM thông qua trang thông tin aseminfoboard.org. Ngoài ra, ASEF cũng phối hợp với các thành viên tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá và nâng cao hình ảnh ASEM. ASEF có 4 chức năng chính bao gồm: Thúc đẩy hợp tác và đối thoại Á - Âu; Thúc đẩy quan hệ giữa tổ chức xã hội Á - Âu và giữa tổ chức xã hội và tiến trình ASEM; Phối hợp với các thể chế tại các thành viên ASEM tổ chức các dự án gắn với các hoạt động của ASEM; Tăng cường nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về quan hệ Á - Âu nói chung và tiến trình ASEM nói riêng.

Kỳ họp lần thứ 37 của ASEF dự kiến có 13 hoạt động chính gồm lễ khai mạc và bế mạc, 5 phiên họp toàn thể, 1 phiên khu vực, phiên họp nhóm lĩnh vực, tọa đàm, tiệc chào mừng, tiệc chiêu đãi và tham quan. Trước đó là cuộc họp của 2 Ủy ban (Tài chính kiểm toán và Điều hành). Cuộc họp có sự tham dự của các Thống đốc đến từ 53 thành viên ASEM/ASEF. Cuộc họp tập trung báo cáo và đề xuất các khuyến nghị cho các hoạt động của ASEF trong năm tiếp theo.

Bên lề cuộc họp ASEF lần thứ 37 sẽ diễn ra “Tọa đàm về xây dựng tầm nhìn quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện trong thế kỷ 21”, sáng kiến do Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì, phối hợp với Quỹ ASEF tổ chức. Tọa đàm tập trung trao đổi các nội dung chính: Xu thế lớn trong cục diện quốc tế và khu vực; Hợp tác ASEM: Cơ hội và thách thức nổi lên; Hợp tác ASEM trong thập niên thứ 3 và giai đoạn tiếp theo: Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện”.

Tham gia ASEM với tư cách thành viên sáng lập năm 1996 đã đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Qua 2 thập kỷ tham gia, Việt Nam luôn là một thành viên năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc có ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của diễn đàn.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh