Hỗ trợ kinh tế tư nhân, tạo động lực tăng trưởng
Ngày nhập : 01/11/2017 15:31
Những chỉ đạo quyết liệt và cam kết kiến tạo một môi trường kinh doanh công bằng của người đứng đầu Chính phủ đã thổi một luồng sinh khí mạnh mẽ vào môi trường đầu tư kinh doanh.

Tăng trưởng chưa bền vững

Nhiều đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và những kết quả đạt được. Nhiều đại biểu nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được kiên trì thực thi đúng hướng và phù hợp diễn biến thị trường, nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, dần thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng: Điểm nổi bật nhất trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 là cả 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Kết quả đạt được là niềm vui của cả nước, góp phần củng cố niềm tin của người dân, tạo không khí phấn khởi cho toàn xã hội. “Ai cũng nhận thấy có kết quả đó là tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt, sâu sát của tập thể Chính phủ, cũng như của Thủ tướng Chính phủ”.
 
 
Điểm nổi bật nhất trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 là cả 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu đề ra

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những băn khoăn về chất lượng tăng trưởng. Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu ý kiến cử tri về sự tăng trưởng của GDP là “rất kỳ lạ”. Ông Hàm cho rằng: tăng trưởng đang có nhiều điểm bất hợp lý, trái với logic thông thường, khi các năm gần đây tăng trưởng quý I thấp, nhưng các quý sau cao dần và đến quý III, quý IV thường rất cao, sau đó đến quý I năm sau lại giảm rất nhanh và đột ngột.

Lý do thường được đưa ra là quý I vào dịp Tết, sản xuất giảm sút là không thuyết phục vì sẽ được tiêu dùng, du lịch bù đắp. Nếu nói rằng do quy trình ngân sách trong năm, quý I giải ngân ít cũng không thuyết phục, vì quý I có thể giảm chi đầu tư nhưng các khoản chi khác vẫn phải chi. Hơn nữa, chi tiêu ngân sách chỉ tác động một phần đến tăng trưởng. Sản xuất cũng không thể đình trệ trên diện rộng khiến GDP rơi tự do như vậy. “Chính phủ cần làm rõ và có giải pháp khắc phục ngay, không để tình trạng ở quý I năm 2018 lại rơi tự do, rồi đến quý III, quý IV lại tăng thần kỳ", ông Hàm nhận xét.

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nói, kết quả tăng trưởng của nền kinh tế mà báo cáo Chính phủ trình bày thật sự đã gây ngạc nhiên cho cộng đồng, đặc biệt là DN trong nước vốn còn đang cố tìm hướng đi cho mình. Con số hơn 25 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt xa kỳ vọng, tăng 34,3%. Vốn giải ngân bất ngờ tăng mạnh, vượt 13,4% so với cùng kỳ. Đây được cho là nguyên nhân vực dậy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng sau cơn địa chấn về thu hút FDI lại là nỗi lo âm ỷ của không ít nhà quản lý, các chuyên gia về câu chuyện giữa nhà đầu tư, giữa đầu tư nước ngoài và tăng trưởng.

“Đột ngột giảm rồi đột ngột tăng GDP của cả quốc gia chỉ vì biến động sản phẩm của một vài DN FDI quả thật rất đáng lo ngại cho nền kinh tế. Phải thẳng thắn nhìn nhận FDI đã bổ sung một nguồn lực quan trọng cho quá trình tăng trưởng”, ông Nhân nói.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, sau 25 năm khu vực FDI đã đóng góp cho GDP từ 2% của năm 1992 lên 20% của năm 2016 và giải quyết việc làm cho hơn 2 triệu lao động, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người hơn 2.000 USD. Thế nhưng dù chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 50% giá trị sản xuất công nghiệp, song khu vực này chỉ đóng góp vào ngân sách từ 15 - 19%, thấp nhất trong 3 khu vực.

Khu vực tư nhân cần được quan tâm đặc biệt

Thống kê giai đoạn 2007 - 2015 cho thấy, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó có nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, điều ngược đời là càng lỗ thì DN FDI càng mở rộng sản xuất. Chưa hết, thống kê trong 1.000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2015 được công bố cho thấy một nghịch lý là DN FDI xuất hiện nhiều nhất: 46%. Nhưng tỷ lệ góp vào tổng thuế thu nhập DN của toàn bảng chỉ ở mức 37% và đang có xu hướng giảm dần.

Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi năm Việt Nam bị thất thu khoảng 170 tỷ USD do hoạt động chuyển giá. Ở một góc nhìn khác, chỉ tiêu tăng trưởng tổng hợp từ nhiều yếu tố, trong đó có tổng kim ngạch xuất khẩu, thế nhưng con số 70% tổng kim ngạch xuất khẩu FDI giúp cho Việt Nam tăng trưởng đã bị chuyển giá đầu vào. Do đó, lợi nhuận từ con số này là rất thấp. Vì vậy, dù có thu 20% thuế thu nhập trên con số đó cũng không đáng là bao. Thậm chí là bằng 0 khi bị báo cáo lỗ, 80% còn lại dĩ nhiên sẽ được FDI chuyển về chính quốc.

Số 20% thu được từ đây cùng các khoản thu khác đang phải gồng gánh cho gần 70% chi thường xuyên của ngân sách. Con số ít ỏi còn lại không đủ chi cho đầu tư và trả nợ. Câu chuyện nền kinh tế đang vướng trong bẫy thu nhập trung bình và sẽ còn bị giữ chặt trong một thời gian dài mà nguyên nhân chính xuất phát từ đây. Đó cũng là lý giải vì sao nền kinh tế tăng trưởng nhưng thu nhập quốc gia và hiệu quả mang lại cho nền kinh tế không cao.

Các ý kiến khác cũng cho rằng, một trong những mục tiêu thu hút đầu tư là nhằm hấp thụ và nhận chuyển giao công nghệ. Thế nhưng theo thống kê, 80% DN FDI sử dụng công nghệ ở mức trung bình thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, và chỉ có 5 - 6% là công nghệ cao. Tuy mang tiếng là công nghệ cao, nhưng thực chất các công đoạn được thực hiện tại Việt Nam đa phần là khâu lắp ráp.

Do đó, câu chuyện Việt Nam từ vị trí thứ 57 trên toàn cầu về tiêu chí hiệu quả và chuyển giao công nghệ tụt xuống vị trí 103 năm 2014, giảm 46 bậc sau 5 năm, thấp hơn nhiều so với Malaysia thứ 13, Thái Lan 36, Indonesia 39 và Campuchia 44 là điều không quá ngạc nhiên.

So sánh các chính sách mà Nhà nước ưu đãi đặc thù cho FDI, bao gồm miễn giảm thuế có thời hạn, cho phép chuyện lỗ, miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư, nhiều đại biểu thấy xót xa cho các DN trong nước khi chúng ta lại cứng nhắc và khắt khe với chính người nhà của mình, người mà luôn đồng cam cộng khổ, có nhiều đóng góp cho kinh tế.

Câu chuyện Tập đoàn Viettel vỡ mộng khi bị Bộ Tài chính thẳng thừng bác xin ưu đãi thuế giống như Sam Sung Việt Nam; hai là khoản đầu tư 500 tỷ đồng để phát triển khoa học công nghệ của gốm sứ Minh Long không được hỗ trợ chỉ vì thiếu vài thủ tục hành chính là những ví dụ như vậy. Việc gánh vác vai trò làm động lực chính cho nền kinh tế còn khó khăn. Các đại biểu cho rằng, nếu tiếp tục chính sách như vậy, Nhà nước vừa bị thất thu thuế, vừa phải tiếp nhận công nghệ lạc hậu, gây cạn kiệt tài nguyên, thiếu công bằng trong ưu đãi đầu tư… Đã đến lúc chúng ta bình tâm suy xét trước khi quá muộn.

Tán đồng nhiều giải pháp trong báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên ông Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) kiến nghị: chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải có chọn lọc. Các lĩnh vực, các ngành có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết và sẵn sàng kết nối với DN Việt Nam. Đồng thời, cần có cam kết lộ trình chuyển giao công nghệ và tỉ lệ nội địa hóa, trên hết phải ưu tiên những lĩnh vực phù hợp với mục tiêu của đề án cơ cấu lại nền kinh tế. Đó là những điều cần phải có trên bàn đàm phán khi gọi mời đầu tư.

“Chúng ta không có cách nào khác là phải sẵn sàng cho cuộc đua này, nếu không có định hướng rõ ràng thì cho dù có 1 triệu DN theo Nghị quyết 35 thì cũng chỉ có ý nghĩa trong sự thay đổi về lượng mà thiếu bền vững về chất, không đảm bảo cho quá trình tăng trưởng”, ông Nhân phát biểu.

Nhiều đại biểu khác thì cho rằng, Nghị quyết Trung ương V khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng cho phát triển nền kinh tế, cùng những chỉ đạo quyết liệt và cam kết kiến tạo một môi trường kinh doanh công bằng của người đứng đầu Chính phủ đã thổi một luồng sinh khí mạnh mẽ vào môi trường đầu tư kinh doanh. Sự kiện ra mắt Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ là một minh chứng cho những cam kết quyết tâm này. Nhưng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao cho luồng sinh khí đó được liên tục bền vững và lan tỏa, tạo điều kiện nuôi dưỡng để khu vực kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh và trở thành một động lực chủ yếu cho đất nước trong quá trình tăng trưởng.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh