Hành động để hiện thực hóa EVFTA
Ngày nhập : 18/09/2017 16:19
Tham gia FTA này sẽ hữu ích cho việc ổn định nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, sản xuất và xuất khẩu cũng như giúp cho sự hội nhập kinh tế của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu tốt hơn.

Kỳ vọng Nghị viện châu Âu sẽ xem xét phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vào mùa xuân 2018 nhưng Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch của Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu tại cuộc họp báo nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam cho rằng, 2 bên cần nỗ lực đẩy mạnh hành động để đạt mục tiêu đề ra.

So với dự kiến ban đầu, việc phê chuẩn và ký kết EVFTA có phần chậm lại đôi chút. Xin ông cho biết nguyên nhân và liệu điều này có ảnh hưởng đến dòng đầu tư FDI từ châu Âu vào Việt Nam không ?

Sự chậm trễ lại một chút này là do các vấn đề kỹ thuật, như việc rà soát pháp lý của văn kiện hiệp định, biên dịch sang các ngôn ngữ liên quan chứ không phải do các yếu tố chính trị. Chúng tôi đang nỗ lực rất cao để các công việc được tiến hành nhanh và hoàn tất được vào giữa năm 2018.

Về đầu tư, tôi không thấy có sự ảnh hưởng nào đối với dòng đầu tư FDI từ EU tới Việt Nam. EU không chỉ là nhà tài trợ mà còn là NĐT lớn. Dù không phải vị trí đứng đầu nhưng thực tế cho thấy còn nhiều dư địa để tăng hơn nữa. Cùng với FTA này còn có những yếu tố, nội dung có thể cải thiện tốt hơn như các điều kiện về đầu tư, vấn đề thủ tục hành chính, đảm bảo an toàn cho đầu tư… sẽ cần được cải thiện hơn nữa và tất nhiên một khi hiệp định này được phê chuẩn sẽ có nhiều đầu tư hơn nữa muốn đầu tư ở Việt Nam.

Vậy các vấn đề cơ bản cần giải quyết trong thời gian tới là gì ?

Với châu Âu, một FTA bất kỳ sẽ không chỉ phải đảm bảo công bằng, tự do mà còn đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Như vậy, có thể thấy rằng việc chúng ta thực hiện một cách đầy đủ, phù hợp quá trình sau phê chuẩn FTA sẽ rất quan trọng. Theo đó, có 3 vấn đề dưới đây mà tôi thấy chúng ta sẽ phải cam kết rất chặt chẽ vì đây được xem là những vấn đề mang tính nguyên tắc:

Thứ nhất, cần đảm bảo rằng FTA mà chúng ta sắp ký kết sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Thứ hai, chúng ta đều đồng thuận là sẽ không tham gia vào một “cuộc đua tới đáy”, hay nói cách khác là đạt được lợi ích kinh tế bằng mọi giá. Như vậy thì chúng ta cần một lưới an toàn cho môi trường của chúng ta. Và trong cam kết của FTA này, cả hai bên đều đưa ra cam kết của mình đối với vấn đề môi trường và thực hiện các thỏa thuận quốc tế về môi trường mà 2 bên là thành viên. Như với Chính phủ Việt Nam thì chúng tôi cũng đưa ra những vấn đề về môi trường cụ thể như việc đánh bắt cá một cách bền vững.

Thứ ba, lợi ích cho mọi người. Chúng ta muốn đảm bảo nhưng cách thức thực thi hiệu quả nhất là cần có được sự tham gia của tất cả các bên liên quan như các tổ chức xã hội dân sự vào quá trình giám sát, thực thi FTA này.

Xin nhấn mạnh rằng với các điểm nêu ở trên, chúng tôi không hề có ý định thông qua đó để gắn với các vấn đề về chính trị với Việt Nam mà đó là những vấn đề về mặt nguyên tắc, là những quy định, luật lệ quốc tế đã được công nhận rộng rãi để đảm bảo bất cứ một FTA cũng dựa trên quan hệ thương mại công bằng. Nghị viện châu Âu luôn gắn chặt các nguyên tắc này với các đối tác đàm phán thương mại như chúng tôi đã từng tiến hành với Canada hay Nhật Bản.
 
FTA mà chúng ta sắp ký kết sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người

Như vậy, có nguy cơ nào về khả năng EVFTA sẽ chậm trễ hơn không, thưa ông ?

Ủy ban châu Âu sẽ xem xét văn kiện FTA một cách rất cẩn thận để đảm bảo rằng tất cả những cam kết trong hiệp định này sẽ phải được thực thi một cách đầy đủ. Khi đó, chúng tôi sẽ có được cơ sở để thuyết phục các đồng nghiệp, các nghị sĩ trong Nghị viện và tiến tới thống nhất được với văn kiện này.

Tôi có mặt ở đây trong chuyến công tác tới Việt Nam lần này cũng là để nắm bắt, xem xét xem các nội dung trong quá trình đàm phán, cam kết sẽ được triển khai như thế nào trong tương lai. Và nếu như tất cả các vấn đề mà chúng ta cam kết được thực hiện một cách đầy đủ thì sẽ thuận lợi rất nhiều cho việc đồng thuận của Nghị viện châu Âu với FTA này. Còn nếu như có bất kỳ vấn đề nào còn tồn đọng sẽ là những trở ngại và phức tạp mà sẽ khó lường trước được cho cả hai phía.

Đơn cử như trong vấn đề về môi trường cụ thể như việc đánh bắt cá một cách bền vững mà tôi đề cập ở trên. Chúng ta không hề muốn vấn đề đánh bắt cá quá mức mà muốn đánh bắt sao cho bền vững. Liên quan đến nội dung này chúng tôi có cơ chế thẻ vàng. Hiện nay chúng tôi đang phải thảo luận rất nghiêm túc với Việt Nam về vấn đề này. Trong trường hợp thẻ vàng được đưa ra với Việt Nam thì chắc chắn việc Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA sẽ khó khăn.

Theo ông, kỳ vọng và cần nỗ lực gì trong thời gian tới ?

Với FTA này, tôi tin tưởng rằng là một hiệp định rất là tốt vì sẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đem lại lợi ích cho cả hai bên. Ở góc độ kinh tế, đây có thể nói sẽ làm công cụ kinh tế rất là tốt, phù hợp về mặt thời điểm giúp cho mối quan hệ kinh tế, thương mại của hai bên dựa trên luật lệ đem lại mối quan hệ công bằng và có lợi cho cả hai phía.

Và tôi cũng nhận thấy qua trao đổi với Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam toát lên một tư tưởng chung là, tham gia FTA này sẽ hữu ích cho việc ổn định nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng đầu tư, sản xuất và xuất khẩu cũng như giúp cho sự hội nhập kinh tế của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu tốt hơn.

Ngày 14/9, tôi đã có các cuộc gặp với phía Chính phủ Việt Nam, với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các tổ chức xã hội, tôi cũng thông tin về việc chúng ta cần tận dụng khoảng thời gian 8-9 tháng tới một cách cẩn thận và nỗ lực như thế nào, cũng như tiến hành tất cả các bước cần thiết ra sao để quá trình thảo luận thông qua của Nghị viện châu Âu với FTA này sẽ thuận lợi nhất có thể. Cảm nhận của tôi là Chính phủ Việt Nam đã mở lòng và cầu thị lắng nghe những trao đổi này. Tôi nghĩ, giờ là thời điểm chúng ta phải đẩy mạnh hành động để đạt được mục tiêu.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh