Dòng chảy tiết kiệm qua hệ thống ngân hàng
Ngày nhập : 31/10/2016 15:24

65 năm qua, từng đồng tiền tiết kiệm của người dân chảy vào hệ thống ngân hàng luôn là bộ phận nguồn vốn quan trọng nhất hình thành nên hoạt động cho hệ thống ngân hàng Việt Nam.


Tiền gửi tiết kiệm liên tục tăng trưởng qua các năm


Giới chuyên gia tài chính ngân hàng trên thế giới tổng kết rằng, tiết kiệm và đầu tư vừa tạo nguồn lực đầu vào, vừa sử dụng nguồn lực đó ở đầu ra cho phát triển kinh tế xã hội.


Từ sau năm 1975 đến nay, hệ thống ngân hàng đã không ngừng đổi mới trong việc thực thi nhiệm vụ huy động vốn và cung ứng tín dụng cho nền kinh tế. Nếu như năm 1990, tỷ lệ huy động vốn/GDP mới chỉ đạt 20% thì đến nay, tổng huy động vốn qua hệ thống ngân hàng đã đạt khoảng trên 100% GDP, trong đó tỷ lệ tiết kiệm tăng từ 5% lên 30% so GDP.


Với gần 90% tài sản tài sản tài chính nằm ở hệ thống ngân hàng Việt Nam hình đã thành một cách tự nhiên nên vai trò chủ lực của ngân hàng trong cung ứng vốn cho phát triển kinh tế và ở đó, nguồn tiền gửi tiết kiệm từ người dân đã liên tục tăng trưởng trong suốt những thập kỷ qua.


Thời kỳ kháng chiến kiến quốc, phong trào “hũ gạo tiết kiệm” mà Bác Hồ là người đi đầu thực hiện đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của hai cuộc kháng chiến.


Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, đồng tiền tiết kiệm chảy qua hệ thống ngân hàng phục vụ cho phát triển kinh tế miền Bắc, cung ứng nguồn lực phục vụ cho giải phóng miền Nam.


Cụ thể, năm 1960, tổng số tiền huy động tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng đạt 45,9 triệu đồng tiền ngân hàng mới, đến năm 1963 đã tăng lên gấp đôi 104,8 triệu đồng tiền ngân hàng và đóng góp một nguồn vốn rất lớn cho hoạt động ngân hàng thời kỳ kháng chiến.


Hòa bình lập lại, các dòng vốn tiết kiệm lại tiếp tục tham gia vào công cuộc dựng xây, kiến thiết nước nhà.


Từ sau năm 1975 đến nay, hệ thống ngân hàng đã không ngừng đổi mới trong việc thực thi nhiệm vụ huy động vốn và cung ứng tín dụng cho nền kinh tế. Nếu như năm 1990, tỷ lệ huy động vốn/GDP mới chỉ đạt 20% thì đến nay, tổng huy động vốn qua hệ thống ngân hàng đã đạt khoảng trên 100% GDP, trong đó tỷ lệ tiết kiệm tăng từ 5% lên 30% so GDP.


Kênh đầu tư an toàn cho người dân


Các sản phẩm huy động tiết kiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã không ngừng sáng tạo và đổi mới. Từ các hình thức tiết kiệm thông thường (không kỳ hạn, có kỳ hạn) với đa dạng hình thức khuyến mại, gia tăng lợi ích cho khách hàng như: Tiết kiệm dành cho trẻ em, Tiết kiệm dành cho cá nhân tích lũy trong tương lai, tiết kiệm hưu trí…


Hình thức huy động cũng ngày càng đa dạng và tiện ích phù hợp với nhu cầu của người dân ở các vùng miền khác nhau của cả nước. Người gửi tiền có thể lựa chọn giao dịch tại chi nhánh ngân hàng hoặc gửi tiền online thông qua Internet banking, mobile banking; Linh hoạt và thuận tiện trong việc quản lý tiền cũng như hoạt động chi tiêu đảm bảo nhanh gọn, an toàn, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.


Có thể nói tiết kiệm qua hệ thống ngân hàng Việt Nam là một kênh đầu tư an toàn của các tầng lớp dân cư, điều này được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử, ngay cả khi hệ thống ngân hàng Việt Nam phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức thì tiền gửi nói chung và tiền gửi tiết kiệm nói riêng vẫn được tăng trưởng đều đặn qua hệ thống ngân hàng.


Bên cạnh đó, mỗi đồng tiền gửi tiết kiệm của người dân qua hệ thống ngân hàng luôn có được mức bảo hiểm nhất định, tạo sự  an toàn, yên tâm cho người dân gửi tiền.


Tiết kiệm qua hệ thống ngân hàng dành cho mọi tầng lớp dân cư, kể cả người nghèo, qua các tổ chức tài chính vi mô hoặc hiểu theo nghĩa rộng có thể tích lũy và tiết kiệm tài sản qua việc cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng.


Nhận thức được rõ vai trò to lớn của tiết kiệm đối với hoạt động của ngân hàng (chiếm từ 55%-70% tổng tiền gửi của hệ ngân hàng Việt Nam - nguồn vốn giúp ổn định và an toàn cho thanh khoản của hệ thống), các ngân hàng thương mại đã thường niên tổ chức hội nghị tri ân, tạo sự gắn kết chặt chẽ, khăng khít giữa ngân hàng và người dân.


Và với sứ mệnh của mình, hệ thống ngân hàng tiếp tục phân bổ nguồn lực tiết kiệm của nền kinh tế thông qua các dự án đầu tư quan trọng của đất nước; thông qua kênh đầu tư trái phiếu chính phủ và từ đó lại tiếp tục chảy vào các dự án, công trình lớn của đất nước góp phần  tạo nên những diện mạo mới để phát triển kinh tế cho Việt Nam.


Tạo lập hành lang pháp lý an toàn cho nguồn tiền gửi tiết kiệm cũng luôn là quan tâm hàng đầu của Chính Phủ và NHNN. Từ các văn bản Luật đến thể chế của ngành Ngân hàng đều thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của NHNN đối với việc tuân thủ chính sách, quy trình bảo mật, tạo sự an toàn đối với nguồn tiền gửi tiết kiệm của người dân.


(Theo Tạp Chí Ngân Hàng)

 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh