Đánh giá cao Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng
Ngày nhập : 31/10/2017 14:42
Điểm nổi bật nhất trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 là cả 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu được đề ra.

Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ thời gian qua giúp 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu được đề ra. Các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, đồng thời đưa ra kiến nghị, giải pháp.
 
 
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Theo các đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang), Lại Xuân Môn (Bạc Liêu), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), điểm nổi bật nhất trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 là cả 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu được đề ra.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, kết quả kinh tế - xã hội đạt được là niềm vui của cả nước, góp phần củng cố niềm tin của người dân, tạo không khí phấn khởi cho toàn xã hội. “Ai cũng nhận thấy có kết quả đó là tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt, sâu sát, trách nhiệm của tập thể Chính phủ cũng như của Thủ tướng Chính phủ”, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Đại biểu Lại Xuân Môn đã liệt kê hàng loạt kết quả tích cực như: Xuất khẩu 9 tháng đạt 154 tỷ USD, cả năm đạt khoảng 200 tỷ USD; Dự trữ ngoại hối đạt mức cao ở mức 45 tỷ USD, thị trường chứng khoán tăng điểm cao nhất 10 năm; tăng trưởng nông nghiệp tăng, trong đó có xuất khẩu nông sản; khách du lịch quốc tế đạt xấp xỉ 10 triệu khách…, và ông phân tích về nguyên nhân đạt được kết quả trên, là thời gian qua Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo và ban hành rất nhiều nghị quyết như Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, tập trung xử lý các vụ án lớn được cán bộ, đảng viên ủng hộ “được lòng dân, được lòng tin”; Do Chính phủ đã kiên trì với mục tiêu tăng trưởng và xây dựng kịch bản, chỉ đạo các bộ ngành triển khai, đặc biệt Thủ tướng thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn; Điều hành chính sách tín dụng, lãi suất phù hợp, đặc biệt là đã giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp…

Một điểm sáng nữa được các đại biểu đánh giá bên cạnh tốc độ tăng trưởng cao là “điểm sáng” trong chống tham nhũng, tiêu cực. Có được “điểm sáng” này là nhờ sự quyết tâm trong lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Theo đại biểu Ngô Sách Thực, những kết quả trên thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.

Nhiều đại biểu đồng tình với mục tiêu tăng trưởng năm 2018 ở mức 6,5-6,7% nhưng cũng đưa góp ý với Chính phủ. “Tôi cũng đồng ý mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đặt ra và nhất là lần đầu tiên đưa ra việc tăng trưởng không phụ thuộc nhiều vào khai khoáng và tín dụng” - Đại biểu Lại Xuân Môn – Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nói và đề nghị với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cần phải có các giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá; tập trung vào đào tạo nghề cho khu vực nông thôn bởi hiện tỷ lệ nông dân được đào tạo rất thấp, trong khi chúng ta đang đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao mà vẫn với tư duy sản xuất cũ thì khó mang lại giá trị gia tăng cao.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay và các năm tới, đại biểu Ngô Sách Thực đề nghị, Chính phủ cần chấn chỉnh kỷ cương trong đầu tư công. Vốn đầu tư phân bổ rất chậm, thời gian từ nay đến cuối năm còn 2 tháng, dễ tạo ra sức ép giải ngân để đạt mục tiêu về chi ngân sách. Phân cấp đầu tư, thủ tục đầu tư trong tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công còn nhiều bất cập. Trong các văn bản pháp luật hiện hành đề ra nhiều biện pháp công khai, minh bạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đấu thầu qua mạng cần phải đẩy mạnh triển khai thực hiện

Đề cập đến chỉ tiêu bội chi ngân sách, nợ công, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu thực tế kỷ luật tài khóa hiện nay chưa nghiêm. Nợ công dự báo đến năm 2030 khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, trả lãi vay hàng năm chiếm 7-8% tổng chi ngân sách Nhà nước, bình quân hàng năm trả lãi hơn 1 trăm nghìn tỷ đồng.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị Chính phủ thực hiện 4 giải pháp: Một là, phải cải cách chính sách thu, thực hiện nghiêm chủ trương giảm biên chế, giao dự toán theo đúng biên chế được giao. Đẩy nhanh cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp. Đặc biệt cân nhắc khoán chi không thường xuyên, mua sắm sửa chữa lớn cho các đơn vị có nguồn thu lớn đã tự chủ được kinh phí. Thực hiện tăng thu giảm chi, ưu tiên giảm bội chi trả nợ. Kiểm soát chặt chẽ việc ký kết quản lý và sử dụng vốn vay ODA. Hai là, cân nhắc cắt giảm 13 nghìn tỷ đồng trái phiếu chưa phân bổ. Ba là, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công 2018 để dành nguồn triển khai 2 dự án quan trọng quốc gia. Bố trí thu hồi tối thiểu 3% nợ đọng xây dựng cơ bản để đảm bảo năm 2030 trả hết nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi đối ứng. Tăng vốn cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia, 21 chương trình mục tiêu đã được cấp có thẩm quyền quy định.

Bốn là, báo cáo Quốc hội số vốn vay cam kết với nhà tài trợ đến năm 2030 còn thiếu hoặc dư địa còn bố trí. Đồng thời báo cáo các chỉ tiêu, vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến nợ công chưa được báo cáo, đặc biệt là vốn vay ODA.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh