Công nghiệp hỗ trợ trong một số lĩnh vực đã có bước tiến
Ngày nhập : 02/11/2017 15:44
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có những hỗ trợ, phối hợp cùng các bộ, ngành để xây dựng, hoàn thiện các chính sách đồng bộ cả về tín dụng, các cơ chế ưu đãi về chuyển giao công nghệ, tiếp cận công nghệ, đào tạo nhân lực

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch năm 2018, sáng ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình làm rõ thêm một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.
 
 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Về nội dung các đại biểu Quốc hội đề cập đến những tồn tại, yếu kém trong hệ thống của các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ - những nền tảng rất quan trọng để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận đây là một thực tế, bởi vì có nhiều nguyên nhân và qua nhiều giai đoạn khác nhau.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong thực tế, các ngành công nghiệp hỗ trợ trong một số lĩnh vực đã có bước tiến. Ví dụ, trong công nghiệp dệt may, hiện nay tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng trên 40%, công nghiệp da giầy trên 45%, công nghiệp ô tô xe máy khoảng từ 35 - 40%, hoặc như trong công nghiệp điện tử trên khoảng 50%.

Theo Bộ trưởng, mặc dù chưa đáp ứng được yêu cầu tiến nhanh trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng một số cơ sở ban đầu đã được thiết lập, đồng thời cũng là điều kiện để chúng ta tiếp tục phát huy chính sách trong thời gian tới, đặc biệt trong tiếp cận công nghệ với thế giới và hội nhập.

Lấy dẫn chứng về việc  cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, chưa kịp thời và đầy đủ, do vậy chưa phát huy được hiệu quả của những cơ chế, chính sách này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị định 115 ban hành năm 2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng trên thực tế, những cơ chế hỗ trợ rất hạn chế, nhất là trong việc tổ chức phối hợp giữa các bộ, ngành để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ một phần cũng bởi phần lớn lĩnh vực này do hệ thống DNNVV đảm nhiệm, đây là thực tế chung của cả thế giới, Việt Nam cũng như vậy. Nhưng DNNVV ở Việt Nam còn quá yếu, yếu cả về nguồn vốn, công nghệ, trình độ nhân lực cũng như khả năng tiếp cận thị trường, tham gia chuỗi sản xuất...

"Vì vậy, sau khi có Nghị định 115, Bộ Công Thương đang chủ động cùng với các bộ, ngành thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tập trung giải quyết những vấn đề đó như: Tiếp tục có những hỗ trợ, phối hợp cùng các bộ, ngành để xây dựng, hoàn thiện các chính sách đồng bộ cả về tín dụng, các cơ chế ưu đãi về chuyển giao công nghệ, tiếp cận công nghệ, đào tạo nhân lực", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ cũng hướng tới quan điểm mới là phải tham gia vào các chuỗi để có thị trường rộng lớn hơn, đảm bảo đầu ra cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tức là các doanh nghiệp hỗ trợ; Tiếp tục xây dựng một số khung chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp cả về tư vấn, công nghệ thông tin cũng như hỗ trợ đào tạo nhân lực, đặc biệt là phối hợp để xây dựng các cơ chế cung cấp tín dụng, ưu đãi để tạo điều kiện cho DNNVV phát triển.

Liên quan đến quản lý thị trường, xử lý buôn lậu như đại biểu Nguyễn Sỹ Cương và nhiều đại biểu khác có đề cập, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong thời gian vừa qua, Ban chỉ đạo 389 cũng như dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ đã có hàng loạt những biện pháp để khắc phục những tồn tại mà qua rất nhiều kỳ tổng kết, sơ kết chúng ta đã có đánh giá.

Qua đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nêu một số nội dung tồn tại trong công tác này. Đó là khuôn khổ pháp luật, các cơ chế, chính sách của chúng ta chưa đủ mạnh, đặc biệt là trong những điều luật của các bộ luật cũng như các văn bản hướng dẫn để chế tài các hoạt động buôn lậu cũng như gian lận thương mại chưa đủ mạnh nên dẫn đến những hiện tượng nhờn pháp luật; Sự phối hợp trong chủ động, trách nhiệm của từng lực lượng trong lực lượng liên ngành để chống buôn lậu còn chặt chẽ và thường xuyên; Việc quản lý thị trường dưới sự chỉ đạo điều hành của địa phương nên dẫn đến sự phối hợp mang tính liên ngành cũng như liên địa phương chưa cao, chưa hiệu quả.

Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng thời gian tới đây có 3 nhiệm vụ lớn cần tập trung quyết liệt.  Một là, phải tiếp tục tăng cường hơn nữa việc phối hợp các lực lượng liên ngành để tổ chức đấu tranh chống các tổ chức buôn lậu quy mô lớn và những lực lượng buôn lậu tinh vi có hệ thống. Trong đó phát huy trách nhiệm của từng ngành, từng lực lượng.

Hai là tiếp tục xem xét hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và thể chế để đảm bảo hiệu lực hiệu quả, nhất là trong pháp luật điều chỉnh và chế tài xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá.

Ba là cần có quan điểm toàn diện đồng bộ thống nhất trong các biện pháp nghiêm khắc để có chế tài và xử lý các hành động buôn lậu thuốc lá.

“Một giải pháp vô cùng quan trọng mà Chính phủ đã thông qua, đó là cho phép thành lập Tổng cục quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc, thực hiện theo pháp lệnh của thị trường sẽ là một cơ sở quan trọng để giúp chúng ta có điều kiện tăng cường chất lượng, nâng cao phẩm chất của cán bộ quản lý thị trường trong chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ về chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn toàn quốc, cũng như phối hợp với các lực lượng chuyên ngành. Chắc chắn Bộ Công Thương cùng Chính phủ sẽ có điều kiện nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là những nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu ở quy mô lớn trong giai đoạn hội nhập của chúng ta trong thời gian tới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh