Chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế
Ngày nhập : 01/11/2019 10:58
Chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động linh hoạt đã góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng nền kinh tế. Việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đạt kết quả tích cực, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%, bảo đảm an toàn hệ thống.
 


Quang cảnh tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội
 
Đó là phát biểu của đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP Hải Phòng) sáng ngày 31/10 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả ba trụ cột là thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, tăng 10 bậc so với năm 2018 và được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá như một điểm sáng trong khu vực và toàn cầu. Đó chính là những thước đo rất cụ thể về những kết quả nổi bật của nền kinh tế đất nước.

Kinh tế Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng cao

Đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng¸ tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi chúng ta vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn. Lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Các chỉ số như tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, chỉ số giá tiêu dùng dưới 3%. Lạm phát bình quân thấp hơn dưới 3%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4% của Quốc hội đã quy định.

Bội chi ngân sách chỉ còn khoảng 3,4% GDP, nợ công giảm còn 56,15% GDP so với 64,6% tại đầu nhiệm kỳ. Dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD so với 31 tỷ USD đầu nhiệm kỳ. Kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%, trong đó xuất siêu khoảng 1 tỷ đôla bằng 0,4% kim ngạch xuất khẩu, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, trong đó riêng xuất khẩu nông, lâm thủy sản đạt trên 41 tỷ USD.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đồng Tháp cho rằng, thực sự có rất nhiều kết quả lớn ấn tượng đáng ghi nhận trong bức tranh kinh tế xã hội của năm 2019, ví dụ như vấn đề tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, dự trữ ngoại hối tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, nợ công giảm mạnh, lạm phát được kiềm chế, đặc biệt là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt và vượt 12 chỉ tiêu chủ yếu. Đây là thành tựu từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của lòng dân và đặc biệt là công tác điều hành của Chính phủ.

Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng cao thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của chúng ta.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tác động nhiều chiều đến kinh tế Việt Nam, cả theo hướng thuận và không thuận.

Trong 10 tháng đầu năm nay, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc là 62 tỷ USD, tăng 16,1% dẫn đến nhập siêu từ Trung Quốc lên tới trên 29 tỷ USD, cao hơn cả năm 2018.

Về mặt thuận, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tăng cao. Xuất khẩu 10 tháng vào Mỹ đạt 49,9 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ và xuất siêu vào Mỹ 10 tháng là 37,9 tỷ USD. Đây là con số gây sự chú ý cho Bộ Thương mại Mỹ.

Cũng chịu tác động từ chiến tranh thương mại, thay đổi chuỗi sản xuất, dòng vốn FDI có những điều chỉnh. Nguồn vốn FDI vào Việt Nam liên tiếp gia tăng trong 4 năm qua, từ 2016 đến tháng 10/2019 giải ngân được 68,6 tỷ USD, đóng góp 23% trong tổng vốn đầu tư xã hội và 20% GDP. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, những kết quả mang lại từ FDI là chưa chọn vẹn.

Mặc dù trong những năm qua, việc chúng ta duy trì được xuất siêu đã góp phần cải thiện cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là trong tổng kim ngạch xuất khẩu thì có đến 70% là từ khối doanh nghiệp FDI.

“Trong thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khi cấp phép đầu tư cần ưu tiên các yếu tố an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, công nghệ là những tiêu chí hàng đầu theo đúng định hướng Nghị quyết của Bộ Chính trị”, ông Ngân nói.

Vốn vẫn là một động lực tăng trưởng

Đề cập đến vấn đề phát triển, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân: “Trong các yếu tố đầu vào của tăng trưởng kinh tế như lao động, vốn, TFP… thì yếu tố vốn vẫn quyết định đến 45 - 50% GDP. Vốn đến từ đâu? Một trong những nguồn vốn quan trọng là nguồn vốn tín dụng”.

Trong khoảng 5 năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và quyết tâm của Chính phủ, chúng ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%, kéo giảm bội chi, nợ công, xử lý nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và an toàn hệ thống ngân hàng.

“Vì lẽ đó, người dân vẫn tin tưởng và gửi tiền vào hệ thống. Cho đến tháng 7/2019, hệ thống ngân hàng huy động nguồn vốn đạt trên 8,2 triệu tỷ đồng, trong đó 4,7 triệu tỷ là đến từ tiền gửi của người dân. Và nhờ vậy, hệ thống ngân hàng có nguồn vốn ổn định để cung ứng cho nền kinh tế”, đại biểu cho biết.

Do đó theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, thời gian tới cần tiếp tục ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, tránh để nợ xấu quay trở lại.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính để thị trường tài chính chứng khoán trở thành kênh cung ứng vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Ông cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ để TP. Hồ Chí Minh xây dựng thành công trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.

Đánh giá cao về điều hành chính sách tiền tệ, đại biểu Nguyễn Văn Thân - Thái Bình cho rằng, dòng tiền rất quan trọng, nó như mạch máu trong cơ thể, vừa rồi ngành Ngân hàng đã làm rất tốt nên ổn định được giá và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng lợi rất nhiều.

Cần củng cố và phát huy nội lực

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đưa ra con số lạc quan trong 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã đạt 624,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong các khu vực kinh tế. Sự chuyển dịch về cơ cấu này thể hiện kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng đóng góp trên 40% GDP tạo ra 1,2 triệu việc làm mỗi năm.

Tuy nhiên khu vực tư nhân vẫn phát triển dưới tiềm năng, chưa bứt phá được trụ cột mới của nền kinh tế. Vì vậy Chính phủ cần phải có sự đột phá về cơ chế, chính sách nhằm xóa bỏ rào cản phát triển DN tư nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để người dân an tâm, hồ hởi, bỏ tiền ra làm ăn, gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế.

“Cần phải đặt DN tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường đối với những người dẫn dắt thị trường đó, tạo ra sân chơi cạnh tranh thì mới có hiệu quả…”, ông So đề nghị.

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết, mặc dù đã đóng góp tới 40% GDP, nhưng khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang mang trong lòng một nghịch lý lớn: chỉ có trên 700 nghìn DN thuộc khu vực DN tư nhân nhưng đóng góp chỉ vẻn vẹn 10% cho GDP, còn lại hơn 30% GDP là thuộc về trên 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký.

Theo ông Lộc, không có một nền kinh tế thị trường nào có khu vực bán chính thức và phi chính thức lớn đến như vậy. Về bản chất thì hộ kinh doanh cá thể chính là một loại hình DN nhỏ và siêu nhỏ nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý, nên với bên ngoài, hộ kinh doanh bị hạn chế về quyền kinh doanh…

Chúng ta không thể xóa bỏ hộ kinh doanh, không thể ép buộc hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, mà chỉ có thể khoác tấm áo pháp lý mới cho hộ kinh doanh: đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật DN với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, để góp phần thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) thì cho rằng, kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa thể "hóa rồng hóa hổ". Giải pháp của Chính phủ đưa ra là đầy đủ và toàn diện, nhưng với nội lực, bối cảnh như vậy cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

“Có ba vấn đề cốt lõi cần dành nguồn lực thực hiện bằng được để tăng trưởng theo chiều sâu. Đó là trình độ lao động; phát triển ứng dụng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ có nâng cao trình độ lao động và đẩy mạnh ứng dụng khoa học mới có thể tăng trưởng theo chiều sâu. Nhưng để làm được cần đổi mới mạnh mẽ, gắn giáo dục đào tạo với yêu cầu của thực tiễn và nhu cầu của DN. Có giải pháp thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng đột phá và có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Muốn vậy cần phải có kênh nguồn vốn chính sách cho khởi nghiệp sáng tạo và phải chấp nhận rủi ro”, ông Hàm cho hay…

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh