Chính phủ hành động là trên hết
Ngày nhập : 03/01/2018 16:28
Ngay khi Chính phủ tuyên bố phương châm hành động, giới doanh nhân đã bày tỏ kỳ vọng vào Nghị quyết 01 và phương châm “10 chữ vàng” của Chính phủ sẽ mang lại động lực và niềm tin mới về năm 2018 với môi trường kinh doanh sáng tạo tốt hơn.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Ngay khi Chính phủ tuyên bố phương châm hành động, giới doanh nhân đã bày tỏ kỳ vọng vào Nghị quyết 01 và phương châm “10 chữ vàng” của Chính phủ sẽ mang lại động lực và niềm tin mới về năm 2018 với môi trường kinh doanh sáng tạo tốt hơn.
 

Doanh nghiệp hy vọng năm 2018 Chính phủ tiếp tục là Chính phủ hành động

Thay mặt giới doanh nhân trẻ Việt Nam, ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát biểu: “Doanh nghiệp vẫn mong muốn và hy vọng năm 2018 Chính phủ tiếp tục là Chính phủ hành động. Bởi chỉ cần Chính phủ hành động thì những vấn đề khác như kỷ cương, liêm chính, sáng tạo, đổi mới sẽ đi theo và được giải quyết toàn diện”.

Từ góc độ của doanh nghiệp dân doanh, ông Hà Văn Thắng (Chủ tịch HĐQT- Tổng giám đốc Công ty cổ phần CP26-3 Hòa Bình) bày tỏ: Điều DN cần là Chính phủ hành động, các cấp hành động để DN, doanh nhân tiếp cận được chính sách của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ đầy đủ hơn.

Ông Thắng phản ánh: Năm 2017 đã đạt được những thành tựu đáng tự hào là nhờ ở Chính phủ hành động, tuy nhiên tình trạng trên nóng dưới lạnh vẫn còn, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng hành động và chỉ đạo mạnh mẽ, các bộ trưởng và lãnh đạo các tỉnh đã chuyển biến nhưng các cấp thừa hành ở dưới vẫn còn “chậm chuyển”.

TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng vào Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 01 – một Nghị quyết ngắn gọn hơn năm trước nhưng kèm theo phụ lục với 242 nhiệm vụ rất cụ thể. Đặc biệt, những phần nào lượng hóa được bằng những chỉ tiêu cụ thể, Chính phủ đều đặt chỉ tiêu rõ ràng. Cao hơn cả, Nghị quyết 01/2018 đã không còn phải nêu ra những hoạt động thường ngày thường xuyên của các bộ ngành, những nhiệm vụ giải pháp chỉ để giải quyết những vấn đề ngắn hạn như những năm trước. Nghị quyết 01/2018 đã hướng đến những vấn đề chiến lược và dài hạn hơn.

Sự tin tưởng của ông Cung không phải là quá lạc quan khi nhìn lại năm 2017, “đã nhiều lúc, nhiều người lo lắng mục tiêu tăng trưởng khó mà đạt được, nhưng Thủ tướng đã quyết và hối thúc hành động. Đích thân Thủ tướng đi đến đâu cũng kêu gọi thúc đẩy đầu tư”, ông Cung nói.

2017 là một năm hội tụ được cả thiên thời địa lợi và nhân hòa, “Thủ tướng hành động, các Phó Thủ tướng cũng hành động đều tay và trực tiếp điều hành. Đơn cử như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đích thân xuống từng dự án thua lỗ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp đến tận xưởng phim truyện, đi tới bán đảo Sơn Trà...”, ông Cung nói.

Giới chuyên gia tán đồng những nội dung của Nghị quyết 01/2018, đặc biệt là phần về kinh tế, đã nêu được những vấn đề cơ cấu dài hạn của đất nước. Đó là tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng phải bền vững, là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Tăng cường kỷ luật tài chính, điều hành ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài sản công, nợ công, đầu tư công; Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Nhưng các ý kiến đều nhấn mạnh khâu thực hiện.

“Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, theo ông Cung, “ngắn gọn nhưng đầy đủ và dễ nhớ nhất với cả người bình thường nhất”, nhưng quan trọng là khâu thực hiện, lãnh đạo các bộ, các cấp phải thấm nhuần được phương châm 10 chữ này để thay đổi nhận thức và chuyển thành hành động trong mỗi hành động, trong từng chỉ đạo điều hành – điều này rất quan trọng.

“Làm gì cũng phải nhớ năm nay là năm kỷ cương vậy làm thế này có đúng kỷ cương không? Năm nay là năm liêm chính vậy nói phải đi đôi với làm, phải đạt mục tiêu cao cả là tận tụy phục vụ người dân. Là năm hành động thì không thể chần chừ và phải xem hành động đã đủ mức chưa”, ông Cung lý giải ý nghĩa và tầm quan trọng của phương châm 10 chữ.

Về sáng tạo, đó là cần tư duy sáng tạo mới, không phải chỉ là làm theo quy định, làm đúng quy trình mà phải có sự khác biệt. Đã là sáng tạo không thể không có sự khác biệt, khác biệt từ tư duy đến cách điều hành, cách làm, cách thực thi. “Sáng tạo là điều rất quan trọng trong kinh tế thị trường. Điều này rất quan trọng để phát phát huy lợi thế từ cơ sở”.

Về hiệu quả, chỉ đơn cử như vấn đề chi tiêu công. Hiện nay chi tiêu đang phân tán, rời rạc và lãng phí. Ví như việc xây cổng chào, nếu cộng các cổng chào đã làm từ cổng chào xã, huyện đến tỉnh… đó là khoản chi quá lớn mà không mang lại hiệu quả gì.

“Chính phủ và Thủ tướng đã rất trăn trở, đã thảo luận và tham vấn nhiều để đưa ra phương châm này. Nếu người đứng đầu các đơn vị thấm nhuần được phương châm này, tôi tin là tư duy sẽ khác, hành động sẽ khác và tình hình sẽ có những thay đổi lớn. 10 chữ này được Chính phủ và Thủ tướng đưa ra với kỳ vọng các nhà lãnh đạo sẽ thấm nhuần và hành động theo, người đứng đầu thay đổi thì những người cấp dưới sẽ phải thay đổi”, ông Cung kỳ vọng.

Nghị quyết 01 vừa ban hành đã xác định 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành. Đó là: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; Tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược; Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động; Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính; Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông.

(Theo Thời Báo Ngân Hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh