Bản tin kinh tế - tài chính tuần 3 tháng 6/2017
Ngày nhập : 21/06/2017 15:03
Chỉ số bán lẻ toàn cầu của Việt Nam tăng 5 bậc so với 2016; Lãi suất trên thị trường LNH tiếp tục xu hướng giảm hay chỉ số VN Index vượt ngưỡng 760 điểm... là một số thông tin kinh tế - tài chính đáng chú ý trong tuần 3 tháng 6/2017.

KINH TẾ THẾ GIỚI

BOE tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0,25%

Sự bất đồng nội bộ Hội đồng chính sách tiền tệ của BOE đang được thể hiện rõ. Tại cuộc họp mới nhất (15/6), 5/8 thành viên đã chọn duy trì mức lãi suất cơ bản, trong khi 3 thành viên còn lại lựa chọn tăng lãi suất lên 0,5%. BOE đang chịu áp lực phải giải quyết tình trạng bất ổn sâu sắc của nền kinh tế Anh khi thu nhập và tiêu dùng giảm, lạm phát tăng và hậu quả của bất ổn chính trị sau bầu cử.

OECD dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2017

Dự báo (12/6) triển vọng kinh tế thế giới, OECD nhận định, kinh tế toàn cầu 2017 sẽ khởi sắc hơn dù chưa chắc chắn. Nguyên nhân do sự cải thiện theo chu kỳ vẫn đứng ở mức khiêm tốn, chưa đủ mạnh để cải thiện tăng trưởng kinh tế một cách lâu dài và giảm bớt các bất bình đẳng đang tồn tại.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ đạt 3,5% năm 2017 và 3,6% năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 2011 và cao hơn mức dự báo đưa ra trước đó (dự báo ngày 7/3 lần lượt là 3,3% và 3,6%).

Fed tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 3 trong vòng 6 tháng

Fed (14/6) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 1,0-1,25%, đồng thời nhận định nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và thị trường việc làm sôi động. Theo cơ quan này, rủi ro đối với triển vọng của nền kinh tế có vẻ như đã được cân bằng, tuy nhiên, diễn biến lạm phát vẫn đang được theo dõi chặt.

Các động thái của Fed cho thấy cơ quan này đang thận trọng cân bằng giữa việc thắt chặt chính sách khi tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh với việc điều chỉnh lạm phát cao hơn. Fed cũng bỏ ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 4, và thị trường dự báo sẽ được công bố vào tháng 9/2017.

Vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng mạnh

Số liệu vừa công bố của UNCTAD, năm 2016, Trung Quốc đã đầu tư ra nước ngoài 183 tỷ USD, tăng 44% so với năm trước, trở thành quốc gia có vốn đầu tư ra nước ngoài lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Cũng theo báo cáo, mặc dù chính sách kinh tế và yếu tố chính trị đã và đang tiềm ẩn nhiều rủi do, song FDI của Trung Quốc liên tục tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, những thách thức, khó khăn từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và đầu tư đang có chiều hướng gia tăng trên phạm vi toàn cầu có thể khiến dòng vốn FDI giảm sút.

Nguy cơ giới doanh nghiệp Anh chuyển hoạt động ra nước ngoài do Brexit

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội quốc gia (NIESR) và Viện Phát triển nhân sự Chartered (CIPD) của Anh (19/6), Anh đang đứng trước nguy cơ thiếu lực lượng lao động lành nghề và hoạt động kinh doanh thua lỗ nếu nước này chấm dứt sự tự do đi lại trong EU mà không đưa ra kế hoạch mới thu hút người lao động. Đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nước này sẽ khó có thể tiếp cận được với lực lượng lao động đến từ các nước thành viên EU.

Theo kết quả thăm dò, cứ 5 doanh nghiệp Anh thì có 1 doanh nghiệp đặt mục tiêu phát triển kinh doanh ở bên ngoài nước Anh. Đây có thể là nguy cơ gây tổn thất đối với doanh nghiệp Anh nói riêng và với nền kinh tế Anh nói chung.

KINH TẾ VIỆT NAM

FAO dự báo Việt Nam thuộc top 5 nước có sản lượng gạo lớn nhất 2017

Theo báo cáo Triển vọng Lương thực của FAO, sản lượng gạo toàn cầu năm nay nhiều khả năng sẽ tăng 0,7% so với năm ngoái lên mức hơn 502 triệu tấn nhờ các chính sách thúc đẩy sản xuất tại châu Á và sự phục hồi sản lượng tại Nam Mỹ và Australia. Đồng thời, FAO nhận định 5 nước có sản lượng gạo lớn nhất trong năm nay lần lượt là Trung Quốc (hơn 142 triệu tấn), Ấn Độ (trên 110 triệu tấn), Indonesia, Bangladesh và Việt Nam.

Việt Nam tăng 12 bậc Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu

Báo cáo về đổi mới sáng tạo toàn cầu vừa công bố (15/06), Việt Nam xếp hạng thứ 47/127 quốc gia/nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 12 bậc so với năm ngoái, vươn lên xếp hạng thứ nhất trong số các nước có thu nhập trung bình thấp.

Theo đánh giá, đây là kết quả chung của cả một quá trình phát triển của Việt Nam trong những năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Chỉ số bán lẻ toàn cầu của Việt Nam tăng 5 bậc so với 2016

Theo khảo sát của A.T. Kearney, trong năm 2017, Việt Nam đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), chỉ đứng sau Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Nguyên nhân chủ yếu là do chính phủ đã có một loạt cải cách quan trọng, giúp môi trường kinh doanh tại Việt Nam thông thoáng hơn thúc đẩy sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài.

Doanh nghiệp tôn thép gặp khó khi xuất khẩu sang thị trường Indonesia

Indonesia đưa ra quyết định nhằm hạn chế nhập khẩu sắt thép vào nuớc này đã được áp dụng từ đầu năm 2017 cho tôn kẽm và các mặt hàng sắt thép khác. Hiện Indonesia đã có hệ thống quản lý chất lượng (rào cản kỹ thuật) SNI của riêng họ và các nhà sản xuất nước ngoài đều phải trả chi phí mời các đơn vị từ Indonesia về nhà máy thực hiện kiểm soát chất lượng hằng năm. Các nhà máy đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật mới được cấp chứng nhận SNI để xuất hàng sang Indonesia.

KHU VỰC NGÂN HÀNG

Lãi suất trên thị trường LNH tiếp tục xu hướng giảm

Tuần từ 12-16/6, lãi suất VND trên thị trường LNH tiếp tục xu hướng giảm. So với tháng 5, lãi suất bình quân VND tháng 6 trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh hơn 1-2 điểm % các kỳ hạn. Điều này tương đồng so với xu hướng năm 2016 và diễn biến trên thị trường OMO khi giao dịch hầu như không xuất hiện. Chốt phiên cuối tuần lãi suất bình quân phổ biến quanh: O/N 2%; 1W 2,4%; 2W 2,6%; 1M 2,8%.
 


Thị trường OMO không phát sinh nghiệp vụ outright mới 2 tháng liên tiếp

Trong tuần, khối lượng giao dịch phát sinh trên thị trường OMO hầu như không phát sinh. Cụ thể, NHNN chỉ chào thầu 50 tỷ đồng trên kênh repos với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 5%. Khối lượng đáo hạn trong tuần ở mức 50 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng bơm/hút ròng trong tuần về mức 0 đồng.

Tuần tới sẽ chỉ có 50 tỷ đồng nghiệp vụ Repos đáo hạn. Diễn biến trên thị trường OMO cùng với việc lãi suất các kỳ hạn trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh cho thấy thanh khoản các ngân hàng đang dư thừa. Trong tuần, NHNN tiếp tục không chào thầu nghiệp vụ Outright.
 


Trong 5 năm tới, nợ xấu sẽ phát sinh khoảng 350 nghìn tỷ đồng

Theo Thống đốc NHNN, hàng năm nợ xấu vẫn phát sinh thêm từ 1,3 đến 1,5% trên tổng dư nợ do các nguyên nhân khách quan, chủ quan. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mỗi năm khoảng 16% thì dự kiến 5 năm tới sẽ phát sinh thêm nợ xấu khoảng 350 nghìn tỷ đồng, tổng nợ xấu lên đến 600 nghìn tỷ đồng. Để duy trì nợ xấu dưới 3% trong 5 năm tới thì mỗi năm hệ thống ngân hàng sẽ phải xử lý gần 130 nghìn tỷ đồng.

Mức cho vay tối đa đối với khách hàng tài chính vi mô là 50 triệu đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 20/2017/QĐ-TTg quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô. Theo đó, mức cho vay tối đa đối với một khách hàng tài chính vi mô không vượt quá 50 triệu đồng.

HSBC thoái vốn, Techcombank sẽ mua lại làm cổ phiếu quỹ

Ngân hàng HSBC dự kiến sẽ thoái 19,4% vốn đầu tư (tương đương 172,35 triệu cổ phần) tại Ngân hàng Techcombank. Techcombank dự kiến sẽ mua lại số cổ phần đó làm cổ phiếu quỹ. Kể từ năm 2012, HSBC không còn tham gia vào các hoạt động quản trị và điều hành của Techcombank.

Thêm 1 chi nhánh NHNNg được cấp phép

Ngày 14/6/2017, NHNN vừa cho phép chi nhánh Hồ Chí Minh của Bank of Communications Co., Ltd được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế trong phạm vi do NHNN quy định.

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Chỉ số VN Index vượt ngưỡng 760 điểm, FED tăng lãi suất không tác động nhiều đến TTCK Việt Nam

Chỉ số VN Index vượt ngưỡng 760 điểm, dòng tiền tập trung vào các cổ phiếu ngành Ngân hàng, chứng khoán và các công ty dự kiến có kết quả kinh doanh tốt trong quý 2/2017. Mặc dù phiên cuối tuần 2 quỹ ETF tái cơ cấu danh mục đầu tư và bán ròng hàng loạt cổ phiếu bluechip nhưng chỉ số VN-Index vẫn trụ vững trên ngưỡng 760 điểm nhờ sự trợ lực mạnh mẽ của dòng tiền trong nước.

Trong tuần qua, việc FED nâng lãi suất 0,25% không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong tuần, NĐT nước ngoài tiếp tục mua ròng 60 triệu USD chứng khoán, bao gồm 20,1 triệu USD cổ phiếu và 39,9 triệu USD trái phiếu. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại mua ròng 999,2 triệu USD chứng khoán, trong đó mua ròng 387,9 triệu USD cổ phiếu và 611,3 triệu USD trái phiếu.

Ban hành Nghị định về quản trị công ty đại chúng

Ngày 6/6/2017, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng đã được ban hành để giải quyết những khúc mắc trong thực tế và chạm đến các thông lệ quản trị tốt nhất. Tuy nhiên, cũng có những điểm mới khiến DN phải chịu thêm sức ép khi thực hiện như: Cho phép vay công ty mẹ - con, các công ty cùng trong tập đoàn kinh tế; Đại hội đồng cổ đông sẽ thông qua Quy chế nội bộ về quản trị công ty; Từ 1/8/2020, Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm Tổng giám đốc.

CTCP Chứng khoán Bản Việt dự kiến niêm yết tại HSX vào đầu tháng 8/2017

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) có vốn điều lệ 1.032 tỷ đồng, là công ty chứng khoán xếp thứ 3 về thị phần môi giới chứng khoán. Việc niêm yết cổ phiếu VCSC góp phần tăng cung hàng hóa có chất lượng cho thị trường, đồng thời giúp minh bạch hóa thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

KBNN hoàn thành 63,3% kế hoạch phát hành TPCP cả năm

Tuần qua KBNN đã huy động được 6.450 tỷ đồng thông qua phát hành TPCP các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm, với tỷ lệ trúng thầu đạt 99,6%. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 16/6/2017, KBNN huy động được 116 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 63,3% kế hoạch phát hành TPCP cả năm 2017. Lãi suất trúng thầu TPCP giảm nhẹ (từ 0,04%/năm đến 0,12%/năm) ở tất cả các kỳ hạn so với tuần trước.

KHU VỰC BẢO HIỂM

Tổng tài sản các DNBH tăng 19,5% và DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 21,3%

Theo Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, đến ngày 31/5/2017, tổng tài sản của các DNBH ước đạt 256 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng tài sản DNBH nhân thọ đạt 190 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản DNBH phi nhân thọ đạt 66 nghìn tỷ đồng. Các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 209 nghìn tỷ đồng, tăng 21,3 % so với cùng kỳ 2016.

(Theo Tạp Chí Tài Chính)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh